Dân Israel điêu đứng vì làn sóng tẩy chay do cuộc chiến ở Gaza

Cuộc chiến ở Gaza càng kéo dài, làn sóng tẩy chay Israel càng lan rộng, ảnh hưởng nặng đến nhiều khía cạnh kinh tế xã hội nước này.

Xung đột Israel-Hamas càng kéo dài, làn sóng biểu tình và phản đối Israel càng lan rộng. Làn sóng tẩy chay gây tổn hại nhiều khía cạnh kinh tế xã hội của Israel – đất nước 9 triệu dân vốn phụ thuộc vào hợp tác quốc tế, hỗ trợ cho quốc phòng, thương mại và nghiên cứu khoa học. Thực tế này đang ảnh hưởng rất nhiều người dân Israel.

 Người dân bên cạnh đống đổ nát sau vụ ném bom của Israel tại TP Gaza (bắc Gaza). Ảnh: AFP

Người dân bên cạnh đống đổ nát sau vụ ném bom của Israel tại TP Gaza (bắc Gaza). Ảnh: AFP

Dễ nhìn thấy xung đột ở Gaza làm xuất hiện hàng loạt sáng kiến chính trị và pháp lý mới chống lại Israel, mà theo ông Eran Shamir-Borer – cựu giám đốc bộ phận luật quốc tế của Lực lượng Phòng vệ Israel – đây là tình huống chưa từng có. Trong số này có các động thái chống lại Israel và các nhà lãnh đạo của nước này tại Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Hình sự Quốc tế.

“Tôi nghĩ chắc chắn có lý do để lo ngại cho Israel. Có thể sẽ có ít công ty muốn đầu tư vào Israel hơn, ít trường đại học muốn cộng tác với các tổ chức của Israel hơn” – ông Shamir-Borer lo ngại.

Việc xuất hiện hàng loạt sáng kiến chính trị và pháp lý mới chống lại Israel là tình huống chưa từng có - theo ông Eran Shamir-Borer, cựu giám đốc bộ phận luật quốc tế của Lực lượng Phòng vệ Israel.

Thương mại quốc phòng bị ảnh hưởng

Ông Lidor Madmoni – giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp quốc phòng nhỏ của Israel – đã chuẩn bị hàng tháng trời cho triển lãm vũ khí quốc tế vào tháng 6 tại Paris (Pháp). Ông Madmoni cho biết triển lãm sẽ là cơ hội hiếm có để công ty của ông mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên sau đó, một email thông báo cho ông rằng vì quyết định của tòa án Pháp, công ty của ông Madmoni đã bị cấm tham gia triển lãm.

Bà Noemie Alliel là giám đốc điều hành của công ty Starburst Aerospace tại Israel. Đây là công ty tư vấn quốc tế chuyên phát triển và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Bà Alliel cho biết các quyết định của Pháp đã “gây sốc cho toàn bộ cộng đồng” các công ty công nghệ quốc phòng Israel. Các nhà tổ chức hội nghị cho biết họ đã kháng cáo để lật ngược quyết định của tòa án và gửi email cho các công ty Israel rằng họ làm tất cả những gì có thể để giúp các công ty này tham dự triển lãm.

Sau khi triển lãm khai mạc, một tòa án Pháp đã hủy bỏ lệnh cấm nhưng đối với ông Madmoni thì đã quá muộn. Theo đó, nhiều công ty Israel đã không muốn tham gia triển lãm nữa.

Liên quan lĩnh vực quốc phòng, một số tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch đã phản đối chuyển vũ khí cho Israel. Do cuộc chiến ở Gaza, Canada cũng tuyên bố sẽ không bán vũ khí cho Israel.

Hợp tác nghiên cứu bị đình trệ

Vào tháng 5, ủy ban đạo đức tại ĐH Ghent (Bỉ) khuyến nghị chấm dứt mọi hợp tác nghiên cứu với các tổ chức của Israel.

Theo tuyên bố của ủy ban, những tổ chức bị cấm hợp tác là “các tổ chức học thuật phát triển công nghệ cho các dịch vụ an ninh mà sau này bị dùng để vi phạm nhân quyền, cung cấp đào tạo cho các binh lính”.

Khi ấy, nhà sinh học người Israel – ông Eran Segal cảm thấy khá bất ngờ.

Ông Segal có phòng thí nghiệm tại Viện Khoa học Weizmann, phía nam Tel Aviv (Israel). Cơ quan của ông có quan hệ đối tác nghiên cứu với ĐH Ghent, tập trung vào các yếu tố gây béo phì. Ông cho biết tuyên bố của ủy ban là “rất đáng báo động, rất đáng lo ngại” và vẫn chưa biết liệu dự án nghiên cứu của ông có bị chấm dứt hay không.

Ủy ban ĐH Ghent cũng kêu gọi toàn bộ châu Âu đình chỉ Israel tham gia vào các chương trình nghiên cứu và giáo dục, vốn thường phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Segal cho rằng nếu các đối tác châu Âu chú ý đến lời quan điểm của ủy ban, “đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào khả năng thực hiện nghiên cứu khoa học hàn lâm của chúng tôi”.

 Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại New York (Mỹ) vào tháng 2. Ảnh: REUTERS

Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại New York (Mỹ) vào tháng 2. Ảnh: REUTERS

Khó khăn du học

Nhiều người Israel nhận thấy họ không còn được chào đón ở nhiều trường đại học ở châu Âu.

Bà Netta Barak-Corren – giáo sư luật tại ĐH Do Thái ở Jerusalem – cho biết khi xung đột ở Gaza nổ ra, các phong trào tẩy chay Israel bắt đầu xuất hiện chủ yếu từ các ngành nhân văn và khoa học xã hội. Theo bà Barak-Corren, các phong trào tẩy chay lan rộng đáng ngại khoảng hai tháng trước, sang các ngành khoa học tự nhiên và đến cấp đại học.

Bà Barak-Corren cho biết hơn 20 trường đại học ở châu Âu và Canada đã áp dụng những lệnh cấm hợp tác.

Một sinh viên Israel đang chuẩn bị theo học tại ĐH Helsinki (Phần Lan) cho biết ĐH này đã đình chỉ các thỏa thuận trao đổi với các trường ĐH Israel.

Bà Minna Koutaniemi – người phụ trách cơ quan trao đổi quốc tế của ĐH Helsinki – cho biết ĐH này đã ngừng gửi sinh viên đến Israel sau ngày 7-10-2023 và quyết định đình chỉ trao đổi sinh viên vào tháng 5 vừa qua để thể hiện quan điểm phản đối cuộc xung đột. Bà Koutaniemi cho biết ĐH Helsinki không có ý định cấm các nhà nghiên cứu của trường này hợp tác với các nhà nghiên cứu Israel.

Một thực tế nữa, nhiều tác giả cũng không cho phép dịch sách của họ sang tiếng Do Thái và bán ở Israel.

Lãnh đạo Israel lên án

Các nhà lãnh đạo Israel từ lâu đã chỉ trích những hành động tẩy chay này. Vào tháng 5, Tổng thống Israel – ông Isaac Herzog cho rằng kẻ thù của Israel “đang cố gắng cô lập chúng ta để làm hại chúng ta”.

“Kẻ thù đang thúc đẩy tẩy chay, đang cố gắng bằng mọi cách để làm tổn hại các mối quan hệ [thương mại] thông qua một chiến dịch quốc tế hung hãn, đầy hoài nghi chống lại chúng ta” – ông Herzog nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-israel-dieu-dung-vi-lan-song-tay-chay-do-cuoc-chien-o-gaza-post800277.html