Dân lo lắng vì tuyến kè 73 tỷ thi công dang dở bị sạt lở nghiêm trọng
Sau trận mưa lũ vừa qua, tuyến kè chống xói lở bờ sông có tổng mức vốn 73 tỷ đồng, đang triển khai dang dở đã bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.
Những ngày gần đây, PV nhận được phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở xảy ra tại bờ sông Gianh thuộc thôn Đồng Lâm và thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa – nơi có dự án kè chống xói lở bờ sông đang triển khai dang dở.
Đây là Dự án Khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, có tổng chiều dài hơn 1.867m, tổng mức đầu tư 73 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019.
Thời hạn sử dụng của công trình chính theo thiết kế là 50 năm do BQL dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành (công ty Hải Thành) – Công ty TNHH Xây dựng Thái An (công ty Thái An) làm đơn vị thi công, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021.
Theo báo cáo của UBND xã Đức Hóa, sau đợt mưa lũ vừa xảy ra, một số địa điểm dọc sông Gianh, nơi có dự án kè chống xói lở bờ sông đang triển khai dang dở, đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều đoạn bờ sông cao từ 3-4m bị đổ sập, kéo theo hàng chục khối đất cát xuống lòng sông, một số điểm sạt lở đã "ăn sâu" gần trục đường giao thông nông thôn và ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích đất sản xuất của người dân.
Điểm sạt lở này có chiều dài 102m, rộng từ 1,5-3m, cao từ 1,5-4m. Đây là đoạn bờ sông thuộc dự án khôi phục khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa.
Dự án được triển khai từ năm 2021, tuy nhiên, khi thi công đến vị trí này thì đơn vị thi công dừng lại, chưa thấy triển khai tiếp. Theo người dân cho biêt, do quá trình thi công đã giải phóng mặt bằng và nhà thầu đã bóc phong hóa nên khi có mưa lũ, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ những vị trí chưa thi công nói trên, mà ngay tại đoạn kè sắp hoàn thành cũng xảy ra tình trạng sạt lở, hư hỏng nặng. Đoạn kè này nằm ở thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa (phần mặt đường phía trên đỉnh kè chưa làm), nhiều điểm sụt lún ở mái kè tạo thành những hố sâu, phần mái bị biến dạng.
Cũng theo báo cáo của UBND xã Đức Hóa, khu vực đã thi công hoàn thành bị sụt lún mái kè đá hộc 6 khuông, trong đó có 4 khuông sụt lún nghiêm trọng, ước tính khối lượng khoảng 45 mét khối.
Được biết, gói thầu đoạn qua thôn Phúc Tùng và một phần thuộc thôn Đồng Lâm dài hơn 900m, do công ty Hải Thành thi công. Sau khi thi công được khoảng 700m, còn hơn 200m đơn vị thi công dừng lại cho đến nay.
Nhà bà Võ Thị Tường (72 tuổi), cách đoạn kè bị hư hỏng khoảng 300m, nói: “Kè mới chỉ được làm trong năm, nhưng mới trải qua một đợt mưa lớn đã hư hỏng như vậy. Tình trạng này khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”.
Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: "Công trình kè vẫn chưa xây dựng xong. Nguyện vọng của chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để ổn định đời sống người dân trong xã".
Trao đổi với PV, ông Đinh Khánh Hậu, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT Quảng Bình cho biết, do dự án lấy từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương năm 2019, cho gia hạn thêm 1 năm và bắt đầu triển khai vào năm 2021, thời điểm đó cả nước đang có dịch Covid-19 nên cuối năm công trình này chưa xong dẫn đến nguồn vốn trung ương bị cắt.
Cũng theo ông Hậu, hiện dự án đã giải ngân được 75%, tương đương 55 tỷ đồng và bị cắt vốn khoảng 18 tỷ đồng.
“Sau đợt lụt vừa rồi có bị sụt một vài đám nhỏ nhỏ thôi, nước trong tống ra quá mạnh, bị xói, tất nhiên nếu đơn vị thi công nhiệt tình sửa thì trong khoảng 2 ngày là xong”, ông Hậu nói.
“Giờ quan trọng là mất vốn, chúng tôi xoay xở đủ cách để tìm nguồn vốn Trung ương, địa phương. Thà có vốn đó mà đơn vị thi công không làm, trước đó do có điều chỉnh bổ sung nên công trình vẫn chưa xong, nhà thầu bỏ thêm hơn 7 tỷ làm nhưng chưa được thanh toán.
Hiện tại hết thời gian thực hiện dự án, chúng tôi đang nỗ lực làm việc với cơ quan chức năng để kéo dài thời gian thực hiện dự án. Có như vậy mới điều chỉnh được hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu làm hoàn thành toàn bộ khối lượng công trình.
Dự án này không có tiền giải phóng mặt bằng nên chúng tôi và đơn vị thi công phải rất vất vả mới thực hiện được”, ông Hậu cho biết thêm.