Đan Mạch kiểm kê boong-ke, sẵn sàng cho dân trú ẩn khi có chiến tranh

Đan Mạch hiện có đủ chỗ cho khoảng 3,6 triệu người (61% dân số) ở các nơi trú ẩn và boong-ke từ thời Thế chiến II, trong trường hợp nổ ra chiến tranh hoặc thảm họa.

Nếu người dân Đan Mạch cần trú ẩn dưới lòng đất trong trường hợp chiến tranh hoặc thảm họa, thì sẽ có đủ không gian cho 3,6 triệu người, hay 61% dân số, truyền thông địa phương đưa tin hôm 18/7.

Dẫn kết quả một đợt kiểm kê của các nhà chức trách trong 2 năm qua, nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch cho biết, số lượng các nơi trú ẩn và hầm trú ẩn (boong-ke) ở quốc gia Bắc Âu đã giảm so với đợt đánh giá trước đó vào năm 2002, khi có 4,7 triệu địa điểm phù hợp cho mục đích trên được tìm thấy.

Đợt kiểm kê năm 2002 được bắt đầu để phản ứng với vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 vào Mỹ, trong khi đợt kiểm kê năm 2022 diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các boong-ke, nơi trú ẩn công cộng và các khu phụ dưới lòng đất như phòng phụ dưới gara công cộng hoặc tầng hầm nằm trong số các không gian có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Lối vào một nơi trú ẩn dưới lòng đất ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Ritzau Scanpix

Lối vào một nơi trú ẩn dưới lòng đất ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Ritzau Scanpix

Trong tổng số 3,6 triệu chỗ, 3,4 triệu chỗ nằm trong các boong-ke có thể được chuẩn bị sẵn sàng nếu cần, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Đan Mạch (DEMA) nêu rõ trên website của mình.

Cơ quan này phân biệt giữa sikringsrum, một boong-ke được chế tạo đặc biệt, và beskyttelsesrum, tức "các phòng an toàn" bên trong các tòa nhà bình thường có thể được sử dụng làm nơi trú ẩn trong trường hợp có một cuộc không kích hoặc sự kiện khác khiến việc ở trong phần còn lại của tòa nhà trở nên không an toàn.

Một số phòng được sử dụng cho mục đích khác trong thời bình và sẽ phải được chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, nhiều boong-ke thuộc sở hữu nhà nước đang trong tình trạng hư hỏng và sẽ cần sửa chữa lại để có thể sử dụng được.

"Chúng cần được kiểm tra về điều kiện cấp nước và tình trạng nấm mốc và điều đó sẽ tốn kém", ông Lars Robetje, Phó lãnh đạo Tổ chức quốc gia về dịch vụ khẩn cấp, nói với hãng tin Ritzau (Đan Mạch).

Ông Robetje giải thích rằng nhiều boong-ke là công trình xây dựng từ thời Thế chiến II đã được niêm phong. Ông nói: "Đối với Đan Mạch, về mặt chính trị, chiến tranh đã chấm dứt vào những năm 2000, và ngay sau đó, tất cả kinh phí chúng tôi chi cho việc bảo trì, bảo dưỡng các boong-ke bê tông đều bị hủy bỏ".

Các boong-ke thuộc sở hữu nhà nước nằm dưới sự bảo trợ của các chính quyền thành phố, do đó họ chịu trách nhiệm bảo trì chúng. Luật pháp sở tại quy định rằng chính quyền địa phương phải có khả năng chuẩn bị sẵn sàng các địa điểm đó theo lệnh của Bộ Nội vụ Đan Mạch.

"Tôi không phải là nhà phân tích quân sự, nhưng với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ khẩn cấp, tôi có thể nói rằng có rất nhiều thứ khác mà chúng ta nên tập trung vào trước khi tính đến các hầm bê tông", ông Robetje nói.

"Ví dụ, mối đe dọa từ chiến tranh hỗn hợp (hybrid war) có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng hoặc lưu lượng dữ liệu của chúng tôi".

Trước đó, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết: "Đánh giá an ninh quân sự hiện tại không cho thấy có mối đe dọa quân sự đối với Đan Mạch. Vì các nơi trú ẩn dự kiến sẽ được công dân sử dụng liên quan đến các hoạt động chiến tranh ở Đan Mạch nên không có nhu cầu cấp thiết về việc chuẩn bị boong-ke và phòng an toàn".

Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo công dân của mình rằng nếu khí thải hạt nhân lan truyền từ Ukraine đến Đan Mạch, người dân nên ở trong nhà để tránh nguy cơ nhiễm phóng xạ. Tuyên bố cho biết thêm: "Trong tình huống phát thải hạt nhân, các boong-ke sẽ không cung cấp thêm sự bảo vệ".

Lối vào Bảo tàng Chiến tranh Lạnh Đan Mạch REGAN Vest. Ảnh: Visit Denmark

Lối vào Bảo tàng Chiến tranh Lạnh Đan Mạch REGAN Vest. Ảnh: Visit Denmark

Đáng chú ý, ở Đan Mạch còn có hấm trú ẩn hạt nhân tuyệt mật được xây dựng từ thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh.

Được xây dựng 60 m ngầm trong lòng đất đá vôi, boong-ke hạt nhân đã được giải mật (NATO Cosmic Top Secret) này được dùng làm nơi ở cho quốc vương và chính phủ Đan Mạch như thành trì cuối cùng của nền dân chủ trong trường hợp xảy ra ngày tận thế hạt nhân.

Boong-ke nằm sâu trong Rừng Rold ở phía Bắc Jutland, cách Copenhagen hàng trăm km. Sự tồn tại của nó đã được giữ bí mật trong nhiều thập kỷ và chỉ được tiết lộ cho công chúng vào năm 2012. Hầm trú ẩn bắt đầu mở cửa như một bảo tàng vào tháng 2/2023.

Việc xây dựng REGAN Vest bắt đầu vào năm 1963. Phải mất khoảng 5 năm để xây dựng một hầm trú ẩn có khả năng chịu được chiến tranh hạt nhân. Kết quả cuối cùng boong-ke có diện tích 5.500 m2 và được tạo thành từ hơn 230 phòng có sức chứa khoảng 350 người.

Minh Đức (Theo The Local Denmark, Anadolu, Atlas Obscura)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dan-mach-kiem-ke-boong-ke-san-sang-cho-dan-tru-an-khi-co-chien-tranh-204240720214439261.htm