'Dân mạng' chỉ ra nhiều chi tiết lạ ở ngai vua triều Nguyễn, chuyên gia nói gì?
Một chuyên gia nhiều năm gắn bó với cổ vật triều Nguyễn khẳng định chiếc ngai vua triều Nguyễn vừa bị làm hư hỏng là ngai gốc, không phải ngai giả.
Ngày 27-5, trên nhiều tài khoản mạng xã hội tiếp tục xuất hiện các bài viết so sánh, đặt dấu hỏi về chiếc ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia, bị kẻ "loạn thần" vào xâm hại, liệu có phải là ngai gốc được truyền từ đời Gia Long - vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, hay không.

"Dân mạng" dẫn hình ảnh được cho là chụp chiếc ngai vàng triều Nguyễn năm 1966. Chiếc ngai này giống với chiếc ngai đặt ở điện Thái Hòa vừa bị kẻ "loạn thần" phá hỏng.
Theo đó, một số người đăng ảnh ngai vua triều Nguyễn được cho là chụp năm 1966 và nói rằng ngai này xuất hiện sau khi vua Bảo Đại thoái vị và có thể sau năm 1947. So với ảnh chụp, tranh vẽ lưu lại của các vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại, ngai này khác với cái ngai mà các vua đã ngồi và gần giống cái ngai vừa bị kẻ "loạn thần" phá hoại hôm 24-5.

Và chiếc ngai này có những dấu hiệu khác với tư liệu về chiếc ngai các vị vua Nguyễn ngồi, như phần tì tay được chạm trổ quá tinh xác, 2 đầu rồng vễnh lên; tấm đố tựa lưng cũng chạm khắc khác lạ.
Một người ở Huế chỉ ra 2 chi tiết lớn khác lạ ở chiếc ngai vừa bị phá hỏng. Chưa kể đến hình ảnh 2 con nghê tựa chân đã biến mất thì phần tì tay ở 2 bên ngai vua triều Nguyễn đã khác lạ; chúng được chạm trổ cầu kỳ, hai đầu rồng vễnh lên. Điều này có vẻ không phù hợp cho vua để tay lên đó mỗi lần thiết triều. "Phần tì tay ở ngai vua phải trơn, chạm trổ cách điệu có lẽ sẽ phù hợp cho vua dễ dàng đặt tay lên" - người này phân tích.
Đơn vị chủ quản nói gì?
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế khẳng định ngai vua triều Nguyễn đặt ở điện Thái Hòa, vừa bị xâm hại là chiếc ngai tồn tại hàng trăm năm qua.
Đây là hiện vật gốc độc bản. "Việc tồn tại nhiều hình ảnh khác nhau khiến tôi không loại trừ khả năng ngai vua đã từng được sửa chữa trước thời điểm lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia.Nhưng hiện tôi không có tư liệu nào ghi nhận một cách cụ thể việc này" - ông Minh nói.
Chi tiết thứ 2 là ở tấm đố tựa lưng sau ngai không được chia thành 3 phần. Chiếc ngai vua hiện có tấm ván chạm trỗ hình ảnh con rồng bay lên trên cũng khác thường.
Được biết, chiếc ngai vua triều Nguyễn bị kẻ "loạn thần" làm hỏng có niên đại 1802-1945 - Bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2015. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ngai vua triều Nguyễn là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ, cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

Chiếc ngai vàng triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia đặt tại điện Thái Hòa. Hình ảnh chụp trước khi nó bị phá hỏng vào ngày 24-5 bởi kẻ "loạn thần".
Ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình như lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần... Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Phía trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng hết sức sinh động.

Hình ảnh tư liệu chiếc ngai vua triều Nguyễn được "dân mạng" đăng tải để chỉ ra các chi tiết khác với hình ảnh chiếc ngai vua triều Nguyễn vừa mới bị làm hư hỏng. Như nó có 2 con nghê gác chân (vùng khoanh đỏ), đầu rồng ở tì tay không vễnh lên như chiếc ghế hiện tại.
Chiếc ngai nặng khoảng 60 kg, gồm 2 phần là ngai vàng và đế ngai. Kích thước ngai dài 87 cm, rộng 72 cm, cao 101 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm.
Trước những nghi vấn trên, TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và di tích Huế, khẳng định chiếc ngai vua triều Nguyễn đặt ở điện Thái Hòa là ngai gốc. Không phải ngai giả như dân mạng đồn đoán. Nhưng chiếc ngai này đã được sửa chữa trước năm 1975 ở phần tay ngai và có gia cố một số nơi. Ngoài ra 2 con nghê gác chân là vật rời, cũng đã mất.
Như tin đã đưa, vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24-5, Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983; quê TP Huế, hiện trú tại quận Bình Tân, TP HCM) có biểu hiện "loạn thần", mua vé vào cổng của Đại nội Huế. Sau đó Tâm vào khu vực điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vua triều Nguyễn. Tại đây, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên ngai vua Triều Nguyễn. Đối tượng dùng tay bẻ gãy phần tì tay bên trái thành 3 mảnh và đập phá làm phần tựa tay gãy ra khoảng 10 mảnh nhỏ.