Đan Phượng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch
Với định hướng phát triển thành quận đến năm 2025, huyện Đan Phượng tập trung chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, gắn với du lịch trải nghiệm.
Chuyển đổi sang cây trồng hiệu quả được hơn 1.600ha
Sau khi sáp nhập về Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội, phát triển nông nghiệp của huyện Đan Phượng được xác định chú trọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn.
Hợp tác xã Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) là một trong những đơn vị triển khai mô hình trồng hoa lan công nghệ cao đầu tiên của Hà Nội, được coi là hình mẫu của nông nghiệp đô thị hiện đại. Qua gần 20 năm đầu tư sản xuất, đến nay Hợp tác xã Đan Hoài đã hợp tác với nhiều đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa lan hồ điệp, và xây dựng thành công thương hiệu hoa lan “Flora Việt Nam”.
Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài Bùi Hường Bích cho biết, hiện Hợp tác xã đang sản xuất gần 100 loại lan hồ điệp với quy mô công nghiệp, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã đầu tư 85 nhà màng, nhà lưới, với diện tích khoảng 20.000m2, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều tiết nhiệt độ, ánh sáng.
Cùng với đó, Hợp tác xã đã đầu tư 1 kho bảo quản lạnh và 1 nhà sơ chế rau củ sau thu hoạch. Giám đốc Hợp tác xã Cuối Quý Đặng Thị Cuối cho biết, hiện Hợp tác xã đang cung cấp rau quả cho 16 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng, 3 chuỗi cửa hàng rau sạch tại TP Hà Nội. Ngoài ra, Hợp tác xã Cuối Quý còn phát triển mô hình trồng nho hạ đen gắn với du lịch sinh thái, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Theo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, trong năm 2023, huyện đã thực hiện chuyển đổi thêm 22,4ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau, cây ăn quả, cho hiệu quả cao. Như vậy, tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi sang cây trồng cho giá trị kinh tế cao đạt 1.624,5ha trên tổng số 3.652ha đất nông nghiệp.
Nhiều mô hình nông nghiệp như trồng rau hữu cơ, sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao… được mở rộng; các giống mới, cây con mới được khảo nghiệm thành công và nhân ra diện rộng như nho hạ đen, mô hình tôm thẻ chân trắng.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm
Những năm qua, dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, song giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng ngày càng tăng. Theo đó, giai đoạn 2008 – 2010, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện tăng bình quân 0,85%; giai đoạn 2011 – 2015 tăng 0,78%; giai đoạn 2016 – 2020 là 1,93%. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế năm 2022 giảm 11,86% so với năm 2008, thời điểm hợp nhất về Hà Nội.
Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đến nay đạt 425 triệu đồng (so với đầu nhiệm kỳ đạt 372 triệu đồng và năm 2008 chỉ đạt 50 triệu đồng/ha/năm). Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt 73 triệu đồng/người/năm (năm 2008 chỉ đạt 10,5 triệu đồng/người/năm). Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Đan Phượng không có hộ nghèo.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, hiện nay, Đan Phượng đang trong tiến trình phát triển lên quận, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần. Do đó, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, đô thị, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông Hồng và sông Đáy.
Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như vùng trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư. Hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, có 13 HTX nông nghiệp được thành lập mới, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.
Huyện đã xây dựng được 8 nhãn hiệu tập thể cho nông sản, 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP. Nông sản và các sản phẩm OCOP được số hóa, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử mang lại giá trị, thu nhập cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sơ chế, chế biến và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện, tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất” – ông Nguyễn Viết Đạt cho biết.
Cùng với đó, thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của huyện trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Huyện sẽ tập trung xây dựng bản đồ chất lượng đất làm căn cứ cho vệc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khai thác diện tích đất nông nghiệp bãi sông Hồng và sông Đáy, tổ chức đấu giá 937ha đất bãi sông, đất công ích để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân giảm dần, tiến tới không chăn nuôi trong khu dân cư gắn với công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt