Dân số già, Italy có tỷ lệ tử vong vì virus corona cao nhất thế giới
Virus corona chủng mới đã làm tử vong 5% số người nhiễm được thống kê tại Italy so với mức trung bình 3,5% toàn cầu. Tỷ lệ này còn cao hơn ở những vùng dịch nặng.
Virus corona chủng mới khiến nhiều người tử vong ở Italy hơn ở Trung Quốc trong một tuần qua. Các bác sĩ cảnh báo rằng việc thiếu giường điều trị các ca bệnh nặng có thể khiến tỷ lệ tử vong ở Italy còn cao hơn nữa.
Trong vòng chưa đầy 3 tuần, Italy từ nước chỉ có 3 ca nhiễm đã trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Dữ liệu chỉ ra xu hướng đáng lo ngại: Người nhiễm bệnh ở Italy có nguy cơ tử vong cao hơn.
Dữ liệu không đầy đủ, đặc biệt là về tổng số ca nhiễm, khiến tỷ lệ tử vong chưa thể đánh giá chính xác vào thời điểm này của đại dịch toàn cầu. Song số ca tử vong cao ở Italy khiến các chuyên gia y tế lo lắng. Nhiều người nói rằng, nếu người Italy có nguy cơ tử vong cao hơn, thì nhân khẩu học có lẽ là một trong những lý do chính.
Dân số già thứ 2 thế giới
Cho đến ngày 9/3, tổng số ca nhiễm được xác nhận tại Italy đã lên tới 9.172, trong đó 463 người, tương đương 5%, đã tử vong. Ở vùng Lombardy, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, tỷ lệ tử vong là 6%.
Trên toàn cầu, khoảng 3,5% trong số 109.578 người mắc bệnh đã thiệt mạng, theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong thực sự có thể thấp hơn, vì nhiều trường hợp nhiễm virus không được thống kê.
"Từ quan điểm sinh học, điều này không thể giải thích được", Giorgio Palù, nhà virus học tại Đại học Padua, nói. "Điều duy nhất chúng tôi biết chắc chắn là Italy là một trong những nước có dân số già nhất thế giới".
Dữ liệu toàn cầu về khả năng gây tử vong của chủng virus corona mới, được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2, cho thấy người cao tuổi là đối tượng dễ tổn thương hơn nhiều so với người trẻ tuổi.
Tại Italy, nơi có tỷ lệ người già trong dân số cao thứ 2 thế giới sau Nhật Bản, 58% bệnh nhân Covid-19 tử vong cho đến nay là người ngoài 80 tuổi và hơn 31% ở độ tuổi 70, theo Viện Y tế Quốc gia, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Italy.
"Nếu chúng tôi chia theo nhóm tuổi, tỷ lệ tử vong ở nước chúng tôi tương tự, hoặc thậm chí thấp hơn so với thống kê ở Trung Quốc", Giovanni Rezza, nhà dịch tễ học hàng đầu của viện, nói với các phóng viên hôm 9/3. "Dù tốt hay xấu đi nữa, chúng tôi có dân số rất già".
Ngược lại, Hàn Quốc, một quốc gia phát triển khác, với số ca nhiễm gần như ngang bằng với Italy, có tỷ lệ tử vong chỉ 0,7%.
Các ca tử vong được thống kê của Hàn Quốc phản ánh nhân khẩu học tương tự những nơi khác: Người già và người mắc bệnh trước đó chiếm tỷ lệ lớn. Song hơn 7.000 ca bệnh được xác nhận ở Hàn Quốc có xu hướng trẻ tuổi, với khoảng bốn phần năm bệnh nhân dưới 60 tuổi.
Chính sách để lọt người bệnh
Chính sách xét nghiệm của Italy cũng góp phần khiến tỷ lệ tử vong vì virus corona cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm đã biết, ông Rezza cho biết.
Đến nay, Italy đã xét nghiệm khoảng 54.000 người, nhưng đang tập trung vào những người có triệu chứng rõ ràng và có liên hệ với các khu vực có nguy cơ cao. Điều này có nghĩa là nhiều người mang virus nhưng bị nhẹ hoặc không có triệu chứng không được xét nghiệm.
Không giống vậy, Hàn Quốc đã tăng cường xét nghiệm hàng loạt cư dân ngay sau khi dịch bệnh bùng phát và truy tìm những người có khả năng nhiễm bệnh.
Được trao quyền theo luật về bệnh truyền nhiễm, các quan chức y tế của đất nước đã tiếp cận giao dịch thẻ tín dụng, dữ liệu điện thoại thông minh và băng ghi hình từ camera an ninh của một cá nhân.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ có thể xét nghiệm tới 10.000 người mỗi ngày, thiết lập các bệnh viện không cần dừng đỗ xe và tái sử dụng các cơ sở y tế khác.
Giờ đây, Italy đang chạy đua với thời gian để làm chậm sự lây lan của virus trước khi nó áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nước này, dẫn đến nhiều cái chết hơn.
Tại Lombardy, tâm điểm dịch bệnh tại Italy, giới chức y tế đang tốc lực bổ sung giường cho người bệnh nặng, trì hoãn các ca phẫu thuật không cần thiết và xây dựng các khu hồi sức tích cực (ICU) tạm thời. Hầu hết trong số 150 bệnh viện của vùng đang tập trung điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Song số bệnh nhân đang tăng nhanh hơn số giường bệnh. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, các bác sĩ nói rằng nếu số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng với tỷ lệ hiện tại - khoảng 25% mỗi ngày - các bệnh viện có thể hết giường trống trong một tuần nữa để có thể điều trị cho tất cả những người cần hồi sức tích cực. Khoảng 60% bệnh nhân Covid-19 đang được hồi sức tích cực ở Lombardy là trên 65 tuổi.
"Đó là một nỗ lực khổng lồ. Hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bám trụ. Nhưng nó chỉ có thể tiếp tục như vậy nếu số ca nhiễm giảm", Ivano Riva, một bác sĩ hồi sức tích cực ở Bergamo, thành phố ở vùng Lombardy, cho biết.
Ông cảnh báo rằng, trong bối cảnh chưa có vaccine, giải pháp thực sự duy nhất cho trường hợp khẩn cấp y tế này nằm bên ngoài bệnh viện.
"Giữ mọi người cách xa nhau và ở yên trong nhà cũng quan trọng như can thiệp y tế. Nếu không, chúng ta có nguy cơ gặp phải thảm họa về y tế", bác sĩ Riva, đại diện hiệp hội bác sĩ gây mê và bác sĩ hồi sức tích cực của Lombardy, nói. "Tôi hy vọng người dân hiểu được điều đó".
Nguy cơ khủng hoảng y tế lan rộng
Theo Alessandro Vergallo, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ hồi sức tích cực, cho biết Lombardy vẫn chưa đến mức các bác sĩ phải chọn ai được vào ICU và ai không. "Hiện tại, chúng tôi đã xoay sở rất chật vật", ông nói. "Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn thế này, rõ ràng khả năng chống cự của chúng tôi sẽ hạn chế.
Lombardy đã bắt đầu chuyển một số bệnh nhân cần hồi sức tích cực đến các khu vực khác.
Các nhà virus học nói rằng virus corona chủng mới đã bắt đầu lây lan ở các thị trấn phía đông nam Milan trong khoảng một tháng trước khi được phát hiện vào ngày 20/2. Kể từ đó, số ca nhiễm mới gia tăng liên tục, nhanh chóng, dù đã có một loạt biện pháp được thực hiện để hạn chế việc tập trung đông người nơi công cộng.
Điều đó đã thúc đẩy chính phủ tiến hành các bước quyết liệt để kiềm chế dịch bệnh. Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 9/3 tuyên bố toàn bộ Italy sẽ bị phong tỏa trong từ ngày 10/3, mở rộng các biện pháp vừa được áp dụng gần đây ở phía bắc đất nước. Người dân bị cấm rời khởi khu vực cách ly trừ khi họ có thể chứng minh sự cần thiết. Những người vi phạm lệnh cấm có thể phải đối mặt với 3 tháng tù giam.
Trên khắp đất nước, các trường học, rạp chiếu phim và bảo tàng đã đóng cửa, và các quán bar, nhà hàng phải đóng cửa sau 18h.
"Tôi hiểu rằng chuyện này rất nghiêm trọng", ông Conte nói. "Nhưng tôi phải can thiệp thậm chí quyết liệt hơn nữa để bảo vệ tất cả chúng ta, đặc biệt là những người yếu hơn và dễ tổn thương hơn".
Chính phủ Italy đang lo rằng cuộc khủng hoảng y tế tại Lombardy có thể lan rộng ra toàn bộ đất nước. Để chuẩn bị cho điều đó, chính phủ đang mua hàng nghìn máy thở mới và đã chỉ thị cho giới chức y tế trên cả nước tăng thêm 50% số giường tại các khu hồi sức tích cực.
Một vấn đề lớn hơn là nhân sự: Không có đủ bác sĩ và y tá chuyên môn cho các khu hồi sức tích cực. Tính trên cả nước, các khu này đã thiếu khoảng 3.000 bác sĩ trước khi dịch virus corona bùng phát, theo hiệp hội đại diện cho họ.
Các bác sĩ và y tá đang ở tuyến đầu chống dịch đang bị quá tải, liên tục làm việc quá giờ và bản thân trở thành người nhiễm virus. Ở Lombardy, nhân viên y tế chiếm khoảng 12% số người mắc bệnh.
"Giống như một cuộc chiến nổ ra và chúng tôi đang chiến đấu cả ngày lẫn đêm", Daniele Macchini, một bác sĩ ở vùng Lombardy, cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 7/3. "Chúng tôi chỉ đang cố gắng trở nên hữu ích. Giờ đây, bạn cũng nên cố làm việc của mình".
Virus corona là gì?
Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.
Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).
WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?
Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.
Nên lo lắng thế nào?
Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.
Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?
Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.
Nếu tôi đi du lịch thì sao?
C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.
Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?
Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.
Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.
Virus đã lây lan tới đâu?
Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Virus truyền nhiễm thế nào?
Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.
Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.
Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.