Dân số Tiền Giang đã vượt hơn 1,8 triệu người

Theo số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2023, dân số toàn tỉnh đã vượt hơn 1,8 triệu người. Trong năm qua, ngành Dân số tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng do Tổng cục DS-KHHGĐ và UBND tỉnh giao. Đây là kết quả nỗ lực to lớn của tỉnh, tuy nhiên Tiền Giang cũng đang đối mặt với không ít vấn đề về dân số và phát triển cần tiếp tục thực hiện giải pháp can thiệp.HOÀN THÀNH NHIỀU CHỈ TIÊU QUAN TRỌNG

Tiền Giang tiếp tục thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm thích ứng với già hóa dân số.

Tiền Giang tiếp tục thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm thích ứng với già hóa dân số.

Trong năm 2023, Tiền Giang tiếp tục thực hiện đạt và vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu quan trọng của công tác dân số. Cụ thể, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,75%; tổng tỷ suất sinh là 1,8 con; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 5,13%; tỷ số giới tính khi sinh ở mức 108,04 bé trai/100 bé gái; toàn tỉnh vận động 142.132 người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại...

Tỉnh đang thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030. Trong đó, thực hiện Đề án Xã hội hóa sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, kết quả có 70,28% thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh, qua đó phát hiện 92 thai phụ có nguy cơ cao được chuyển tuyến tầm soát và phát hiện 2 trường hợp thai nhi mắc hội chứng Down, 1 thai nhi mắc hội chứng Edward, 1 trường hợp thoát vị rốn, 2 trường hợp tràn dịch màng phổi và 2 trường hợp chấm dứt thai kỳ; 92,45% trẻ sơ sinh được lấy máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, giúp phát hiện 139 trẻ thiếu men G6PD, 4 trẻ suy giáp bẩm sinh, 4 trẻ tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.

Thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục đưa các nội dung kiểm soát MCBGTKS vào Chương trình giáo dục cho học sinh các trường THCS, THPT trong tỉnh và chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường chính trị, hành chính; vào quy ước của tổ dân phố. Đồng thời, tuyên truyền về MCBGTKS trực tiếp cho hàng ngàn người dân trong cộng đồng.

Năm 2023, tỉnh Tiền Giang có 9 huyện thực hiện kế hoạch và tổ chức khám trong thực hiện Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Kết quả cụ thể gói phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản đã thực hiện khám viêm nhiễm đường sinh sản cho hơn 5.500 phụ nữ, qua đó phát hiện và điều trị cho hơn 4.100 chị bị viêm nhiễm đường sinh sản.

Tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã khám phụ khoa cho 87.168 phụ nữ. Toàn tỉnh có 49.691 phụ nữ từ 30 - 54 tuổi kết hôn được sàng lọc ung thư cổ tử cung, kết quả phát hiện 191 người mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Thực hiện sàng lọc siêu âm tuyến vú và chụp nhũ ảnh cho 40.408 phụ nữ, kết quả phát hiện 1.201 người có kết quả bất thường từ siêu âm vú, chụp nhũ ảnh. Tất cả các trường hợp bất thường đều được tư vấn và chuyển tuyến trên điều trị.

So với năm 2019, toàn tỉnh đã vận động giảm 54,86% số trẻ vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn; giảm 71% số cặp tảo hôn. Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng được tăng cường thực hiện. Mô hình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng thông qua hoạt động của Tổ tình nguyện viên được duy trì, đồng thời tổ chức khám sức khỏe và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 150.499 người cao tuổi trong tỉnh. Các địa phương thực hiện khá tốt công tác lập hồ sơ theo dõi sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện Mô hình “Tư vấn dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, khám sức khỏe tiền hôn nhân qua đăng ký kết hôn” tại 100% xã, phường, thị trấn về các nội dung liên quan đến công tác dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Vận động, hướng dẫn các cặp nam, nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý mang tính chất di truyền, có 1.207 nam, nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn, chiếm tỷ lệ 32,25%. Qua kiểm tra phát hiện 84 trường hợp có bất thường về sức khỏe và tất cả đều được tư vấn, hướng dẫn điều trị.

TIẾP TỤC CÁC GIẢI PHÁP VỀ DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN

Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang Lê Trần Thu Thủy cho biết, để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu được giao của năm 2024, sẽ triển khai một số hoạt động nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu MCBGTKS.

Trong đó, sẽ duy trì mức sinh thấp hợp lý, cung cấp đầy đủ phương tiện tránh thai lâm sàng thông qua việc thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình - sức khỏe sinh sản và cung cấp các dịch vụ phương tiện tránh thai lâm sàng (đặt vòng, thuốc tiêm, que cấy, triệt sản) chất lượng qua hệ thống y tế các cấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thực hiện chính sách kích thích nhằm vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con vì sự phát triển bền vững.

Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang Lê Trần Thu Thủy cho biết: “Trong năm tới, chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt, lồng ghép kết hợp cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc ung thư tại cộng đồng và các dịch vụ khác về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nội dung vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; nuôi dạy đứa con một và chăm sóc bố, mẹ khi về già”.

Đối với hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, tỉnh tiếp tục thực hiện các đề án gồm xã hội hóa sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2018 - 2025. Nhằm giảm thiểu MCBGTKS, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Cùng với thực hiện đề án, năm 2024, Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND và văn bản của UBND tỉnh về công tác DS-KHHGĐ. Trong đó có việc hỗ trợ cho người tự nguyện đình sản, hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ kinh phí thực hiện mục tiêu y tế - dân số của tỉnh giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ cộng tác viên dân số và có chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh…

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202312/dan-so-tien-giang-da-vuot-hon-18-trieu-nguoi-999321/