Dân số Việt Nam - Bài cuối: Đối mặt với 'cơn sóng' già hóa dân số
Việt Nam đang chứng kiến tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số, đặt ra nhiều thách thức về an sinh xã hội, lao động và chăm sóc y tế.
Nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, khiến Việt Nam sớm trở thành quốc gia dân số già. Dự báo, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Còn sức khỏe còn cống hiến
Ở tuổi gần 70, trong khi nhiều người lui về nghỉ ngơi, bà Nhin (xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) lại bắt tay vào gây dựng trang trại nuôi ếch, chăn gà… Nhờ con cháu động viên và được Câu lạc bộ liên thế hệ tại địa phương cho vay vốn, mô hình của bà bước đầu đã đem lại thu nhập đáng kể.
Bà Bùi Thị Nhin cho biết, đợt đầu bà nuôi ếch cũng được chút ít tiền vốn nên bà lại tiếp tục quay vòng đợt 2. Nhờ vậy kinh tế cũng khá giả hơn, có đồng ra đồng vào.
Trên thực tế, nhiều người cao tuổi còn sức khỏe mong muốn làm việc nhưng lại gặp rào cản khi tiếp cận vốn vay. Thời gian qua Câu lạc bộ liên thế hệ tại tỉnh Hòa Bình đã tự thành lập nguồn Quỹ để hỗ trợ lẫn nhau vay vốn sản xuất kinh doanh. Nguồn quỹ không lớn chỉ khoảng 150 triệu đồng nhưng đã giúp nhiều thành viên có việc làm, có thu nhập và bắt đầu quay vòng vốn cho các thành viên khác.
Theo chỉ tiêu Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, cả nước sẽ có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố có câu lạc bộ; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với khoảng 150.000 thành viên. Đây sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người cao tuổi có thêm nguồn vốn vay để tiếp tục lao động và cống hiến.
Đều đặn mỗi tháng, các thành viên người cao tuổi tại đây đều có thu nhập khoảng 5 triệu đồng đến từ việc làm hàng thủ công mỹ nghệ. So với làm ruộng, công việc này không vất vả bằng mà lại đem lại thu nhập ổn định, phù hợp với sức khỏe của nhiều người cao tuổi.
Bà Mai Thị Kiện, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, bây giờ trồng lúa, trồng cây hay bị sâu bệnh, thiên tai, bão lụt nhưng công việc ở đây nhàn, phù hợp sức khỏe lại có thu nhập tốt, nếu làm thêm được thì có thu nhập thêm nên cũng ổn định cuộc sống.
Thực tế, trên thị trường lao động hiện có rất nhiều công việc mà người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Cụ thể, họ có thể đảm nhiệm những công việc như: bảo vệ, tạp vụ, thủ công mỹ nghệ cho đến một số ngành nghề dịch vụ… Nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, việc sử dụng lao động là người cao tuổi rất cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể cao hơn.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, ngoài nội lực của người cao tuổi Hội mong các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt là linh hoạt trong các chính sách để trợ giúp nguồn vốn cho người cao tuổi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doan. Điều này vừa tạo ra kinh tế đồng thời có điều kiện hạn chế lực lượng lao động dư thừa tại địa phương.
Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng Việt Nam thể rút kinh nghiệm, học hỏi từ các quốc gia khác để điều chỉnh chính sách phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đối mặt với mức sinh thấp kéo dài, tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng. Một giải pháp là phát huy vai trò của người cao tuổi thông qua việc hỗ trợ tạo cơ hội việc làm, như xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động dành riêng cho họ. Cần cung cấp thông tin để người cao tuổi biết được các khu vực cần lao động, đặc biệt là lao động ở độ tuổi này. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận việc làm, như tài trợ chi phí học tập hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Một số quốc gia đã thực hiện thành công mô hình này, giúp người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế.
Hiện Thái Lan đang triển khai mô hình "ngân hàng thời gian", nơi người trẻ chăm sóc người cao tuổi và sau này khi họ già đi, cộng đồng sẽ chăm sóc lại họ. Đây giống như một hình thức "tiết kiệm thời gian" với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ. Song song đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi, chẳng hạn như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc giảm thuế cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, về mặt pháp lý, Việt Nam hiện quy định người cao tuổi là từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, giới hạn này là 65 tuổi. Với tuổi thọ trung bình của Việt Nam hiện nay là 74 tuổi, cần xem xét nâng chuẩn xác định người cao tuổi lên 65 tuổi, phù hợp với tình hình thực tế.
Công tác truyền thông về dân số cần nhấn mạnh vào những thông điệp phù hợp với thực tế, nhất là trong bối cảnh mức sinh tại Việt Nam đã giảm xuống dưới mức thay thế, chỉ còn khoảng 1,96 con/phụ nữ vào năm 2023. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn hơn để duy trì sự phát triển bền vững về dân số, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cho biết thêm.
Già hóa dân số là xu hướng chung của thế giới. Những năm qua, việc chủ động xây dựng các chính sách an sinh xã hội; các mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế phù hợp đang giúp Việt Nam thích ứng, cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi ngày một tốt hơn.
Tuổi thọ trung bình ngày càng tăng là một thành tựu đáng tự hào trong quá trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời làm gia tăng tình trạng già hóa dân số, một vấn đề ngày càng phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu và phân tích toàn diện các tác động của quá trình già hóa dân số, từ đó xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch phù hợp để chủ động ứng phó với thách thức này trong tương lai.
Tốc độ già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội nếu được quản lý một cách hiệu quả. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, linh hoạt trong xây dựng chính sách và khai thác tiềm năng của người cao tuổi là những yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững. Với các giải pháp thiết thực, từ hỗ trợ việc làm đến cải thiện chính sách an sinh, Việt Nam không chỉ có thể thích ứng tốt hơn với già hóa dân số, còn tận dụng được nguồn lực quý giá từ nhóm dân số cao tuổi. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.