Dấn thân và lòng dũng cảm

Sáng ngày 19/5/2023, trong bài phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: 'Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học, nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta'.

Sự “sự dấn thân và lòng dũng cảm” mà Chủ tịch nước muốn nhắc đến cũng đồng thuận với những gì mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”.

Phim “Web-drama” của NSND Hồng Vân là một hướng đi mới.

Phim “Web-drama” của NSND Hồng Vân là một hướng đi mới.

Kể từ khi Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập (và cho đến nay là các hội chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương), những người cầm bút luôn ý thức được con đường mà mình phải lựa chọn bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và đòi hỏi của lịch sử phải đồng hành được với sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh mới, sự dấn thân và dũng cảm ấy phải được hiểu như thế nào để phát huy đúng hướng.

Sau nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến phân tích cũng như tự bản thân người nghệ sĩ cũng cảm nhận được đổi mới và hội nhập là hai nhiệm vụ, hai thách thức lớn nhất. Nhiệm vụ thứ nhất đã được các nghệ sĩ thực hiện thành công trong gần bốn thập kỉ qua với những nhà văn tiên phong như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Duy… và cảm hứng ấy được tiếp nối với các nhà văn thế hệ 8X, 9X. Trong khi đó, việc hội nhập lại không hề dễ nhận diện phân định. Đơn cử như vấn nạn Graffiti “bôi bẩn” lên nhiều đô thị, mất mỹ quan hay sức hút của nhạc chế; tính phản văn hóa trong đồ họa quảng cáo… cho thấy một cuộc hội nhập không đồng nghĩa với nhập khẩu, mô phỏng máy móc.

Dấn thân không chỉ cần sự nỗ lực, cố gắng của từng nghệ sĩ mà còn ở sự lựa chọn của từng con người. Như cố nhà văn Nam Cao từng nói: “Sống rồi hãy viết” dấn thân, lòng dũng cảm chính là bản lĩnh văn hóa, một chính kiến nhận thức, tiếp thu văn hóa của con người hôm nay.

Dấn thân cũng là cách chủ động, tích cực tạo ra những giá trị tư tưởng trong nghệ thuật. Một câu hỏi thường được nhiều nghệ sĩ đặt ra: Đi tìm cái đẹp hay tìm thấy chính bản thân mình? Dĩ nhiên “bản thân mình” ở đây chính là tư tưởng, là triết lý sáng tạo của bản thân để không bị hoang mang, dao động, lung lay trong xu thế hội nhập.

Khi nghệ thuật Graffiti được vận dụng không đúng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Khi nghệ thuật Graffiti được vận dụng không đúng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Trong bài tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" vào tháng 12/1987, nhà văn Nguyễn Khắc Phê từng nói: "Chừng nào văn nghệ còn phản ánh cuộc sống trong sự vận động phát triển của nó, chừng đó văn nghệ còn đề cập đến những hiện tượng, những nhân vật tiêu cực. Nói cách khác, nội dung "chống tiêu cực" không chỉ mang tính thời sự mà có tính lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh cửu. Có ai dám đoán chắc con người ta mấy trăm, mấy ngàn năm nữa sẽ trở nên hoàn thiện trăm phần trăm…?". Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc kết cấu với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Sau 36 năm Đổi mới và vận hành nền kinh tế thị trường, khi áp dụng khoa học, công nghệ, bản thân mỗi người viết sẽ đứng trước cuộc “thử lửa” lớn nhất nhưng đó cũng là cơ hội để người nghệ sĩ tìm thấy ở mình những phẩm chất, cảnh báo những nguy cơ và nắm bắt cơ hội. Trước khi là nghệ sĩ đương đại, chúng ta phải là một công dân thời đại số, sự thích ứng đón nhận để phát triển là rất cần thiết. NSND Hồng Vân đã nắm bắt cơ hội ấy với web drama (phim chiếu mạng) hay Viet Art Now (dự án về mỹ thuật) của các họa sĩ. Còn với văn chương, TS. Đỗ Thị Thu Thủy - Trưởng Khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Các nhà văn trẻ phải luôn tiếp tục “lạ hóa” cuộc chơi… Văn học trong thời đại 4.0 phải có sự gần gũi với khoa học công nghệ, để góp phần cổ vũ cho đất nước phát triển”…

Chung quy lại, người nghệ sĩ sẽ phải đi-nghĩ-viết như thế nào trong thời đại mới? Trước cơ hội được đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng trong nước và thế giới?

Phố Bích họa Phùng Hưng, Hà Nội là một không gian sống của nghệ thuật công cộng.

Phố Bích họa Phùng Hưng, Hà Nội là một không gian sống của nghệ thuật công cộng.

ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Không gian số được dự báo làm thay đổi cách thức mà cá nhân tham gia vào đời sống xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại, các kết nối giữa cá nhân với cá nhân khác trong cộng đồng sẽ ngày càng suy giảm, thay vào đó là giao tiếp trên không gian số. Điều này có thể làm suy giảm liên kết giữa con người với nhau. Không gian số cũng sẽ làm thay đổi thị hiếu, thói quen sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân”.

Công bằng mà nói, không ít văn nghệ sĩ đã tìm đến sự “độc”, “dị”, khác thường với một lập luận kiểu như: Nghệ thuật đỉnh cao không thuộc về số đông. Nghệ thuật là lối đi riêng, là những “mật mã” mà việc giải mã thuộc về từng cá nhân tiếp nhận. Đã có lúc chúng ta tự hỏi: Người tiếp nhận ở đâu trong chu trình sáng tạo của họ, trong quan niệm sáng tạo của của nghệ sĩ hay cứ viết thế, sáng tạo thế và bỏ qua mọi phản hồi bên tai. Nghệ thuật có cần cộng đồng, có đem lại lợi ích gì cho cộng đồng, nghệ sĩ có đủ dũng khí để đối diện với những áp lực nhất là ý kiến từ mạng xã hội.

Có lần, người viết đã được đọc ý kiến PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ông viết: “Các tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là sản phẩm của các nghệ sĩ, mà nó còn phản ánh những giá trị và mong muốn của cộng đồng. Vì vậy, sự cộng tác và đóng góp của công chúng là rất quan trọng trong việc thiết kế và thực hiện các tác phẩm nghệ thuật công cộng”. Như vậy, sự dấn thân của người nghệ sĩ còn cần đến sự cộng sinh, cộng hưởng, đặt trong mối tương quan với bối cảnh, thời đại, nhân dân; sự dũng cảm bằng trí tuệ, cảm quan tinh tế thay vì núp bóng những sáng tạo cá nhân đơn lẻ. Nhiệm vụ ấy, trọng trách ấy cũng đâu có nhẹ nhàng.

Như đại văn hào Victor Hugo đã từng nói: "Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngơi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo". Cả trong suy nghĩ và hành động đều có sự gắn kết, có sự cân nhắc, tương quan, tham chiếu để mỗi cá nhân người nghệ sĩ cảm nhận rõ hơn về khó khăn cũng như sứ mệnh phải thực hiện của mình. Phải chăng, dấn thân và dũng cảm là động lực, là tinh thần và cũng là bí quyết cho mọi thành công… Nếu ai dám chấp nhận, tìm ra lối đi sẽ đến được với thành công. Tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao vẫn đón chờ chúng ta phía trước.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dan-than-va-long-dung-cam-i696884/