Dân thấp thỏm vì dự án bờ kè sông Yên hơn 125 tỷ đồng thi công ì ạch

Công trình chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên trị giá hơn 125 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ bảo vệ an toàn cho hàng trăm hộ dân ven sông đi qua địa bàn 3 xã của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Thế nhưng, sau 3 năm kể từ ngày giải phóng mặt bằng, đến nay công trình vẫn dang dở, thi công cầm chừng, trong khi mùa mưa lũ miền Trung đang đến rất gần...

Công trình "khẩn cấp" nhưng thi công kiểu… rùa bò

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tháng 1/2023, dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên chính thức khởi công. Địa phương xác định đây là công trình trọng điểm nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho hàng trăm hộ dân ven sông thuộc các xã Hòa Khương, Hòa Tiến và Hòa Phong (cùng huyện Hòa Vang). Thế nhưng, trái với kỳ vọng, đã qua hơn 2 năm, đoạn kè tại bờ sông dọc thôn La Châu Bắc (xã Hòa Khương) - nơi đáng lẽ phải có kè kiên cố, hiện vẫn chỉ là những đoạn đất nham nhở, kè đá chắp vá từng đoạn vẫn chưa xong.

Kè chưa thấy, đất đã lở tại Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Kè chưa thấy, đất đã lở tại Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Trong khi đó, người dân nơi đây cho biết đã nhiều lần phản ánh tình trạng thi công chậm trễ, công trường vắng bóng công nhân, đất ven bờ ngày đêm bị nước lũ ngoạm cuốn trôi. “Cứ mỗi mùa mưa về là ruộng vườn trôi sạch. Chúng tôi được thông báo có dự án làm kè từ 3 năm trước, nhưng giờ vẫn chưa thấy đâu. Dân thấp thỏm sống cạnh sông mãi thế này sao?”, bà Lê Thị T. – một người dân thôn La Châu Bắc, xã Hòa Khương bức xúc.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng (Ban QLDA), dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp sông Yên được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2022, chiều dài tuyến hơn 7,7 km, đi qua 3 xã Hòa Khương, Hòa Tiến và Hòa Phong, tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024. Đơn vị thi công là liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO và Công ty CP Xây dựng số 303.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 6/2024, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Ban QLDA đã phải báo cáo và được UBND TP Đà Nẵng cho phép gia hạn lần 1 thời gian thi công hoàn thành vào ngày 31/12/2024 và lần 2 đến 30/5/2025. Nhưng hiện đã cuối tháng 5/2025, ngoài xã Hòa Tiến và xã Hòa Phong, thì tại địa bàn xã Hòa Khương vẫn… cù cưa. Đáng nói, đúng như người dân đã phản ánh, vào mùa mưa năm 2024, công trình đã xuất hiện tình trạng sạt lở. Công trường chẳng thấy bóng dáng công nhân, trong khi bờ sông thì cứ lở dần...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Những ngày vừa qua, tại Cổng góp ý Đà Nẵng, người dân La Châu Bắc (xã Hòa Khương, Hòa Vang) đã phản ánh. “Yêu cầu làm rõ nguyên nhân trễ tiến độ dự án. Dự án chưa xây dựng xong nhưng không có công nhân ở lại tiếp tục làm mà đi đâu hết. Việc công trình không hoàn thiện khiến người dân hai bên sông khó khăn trong việc sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi mùa mưa khi nước dồn về những đoạn bờ kè đang sạt lở và chưa hoàn thiện. Người dân chúng tôi yêu cầu UBND xã phải có văn bản trả lời cho người dân giải trình lý do việc xây dựng quá chậm so với tiến độ và mong muốn thành phố có biện pháp can thiệp đê công trình hoàn thiện sớm trước mùa mưa 2025”, một người dân nêu ý kiến.

Phía Ban QLDA phản hồi cho biết do khối lượng hồ sơ đền bù quá lớn (hơn 650 hồ sơ), công trình kéo dài qua nhiều xã, cộng thêm việc thay đổi chính sách pháp luật về đất đai vào tháng 10/2024 khiến tiến độ phê duyệt giá trị đền bù bị đình trệ. Cụ thể, sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024 đã khiến Hội đồng Giải phóng mặt bằng chưa thể thống nhất cơ sở pháp lý áp dụng đối với 30 hồ sơ còn lại.

Bên cạnh đó, mặt bằng không được bàn giao đồng bộ khiến nhà thầu khó khăn trong việc huy động máy móc, vật tư, làm giảm hiệu quả thi công. Ngoài ra, nguồn nhân lực của huyện Hòa Vang đang dồn lực cho các dự án trọng điểm như đường cao tốc, QL14B, cầu Quảng Đà... nên thiếu nhân lực cho công tác giải tỏa tại dự án kè sông Yên, Ban QLDA thông tin.

Trước yêu cầu chính đáng của người dân, Ban QLDA cam kết sẽ đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công tại các vị trí đã có mặt bằng, đồng thời đề nghị Hội đồng Giải phóng mặt bằng sớm hoàn tất bàn giao 6 hồ sơ vướng còn lại để kịp tiến độ do UBND TP Đà Nẵng giao hoàn thành công trình trước mùa mưa năm 2025.

Thực tế dự án xây kè sông Yên không chỉ là công trình hạ tầng đơn thuần, mà đây là lá chắn bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân. Chia sẻ thêm với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng, việc trì trệ thi công, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và đôn đốc không chỉ phản ánh bất cập trong quản lý dự án, mà còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm với đời sống người dân vùng thiên tai. “Rõ ràng, việc các nhà thầu thi công cầm chừng, thiếu nhân lực, thiếu máy móc suốt thời gian dài không thể chỉ được lý giải bằng “vướng mặt bằng”. Đây là dấu hiệu về sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc từ phía chủ đầu tư”, một người dân địa phương bức xúc khẳng định.

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dan-thap-thom-vi-du-an-bo-ke-song-yen-hon-125-ty-dong-thi-cong-i-ach-i769506/