'Dân vận khéo', chìa khóa đẩy lùi tà đạo ở Mèo Vạc
BHG - Đến nay, 100% số hộ theo tà đạo “San sư khẻ tọ” ở huyện Mèo Vạc đã quay trở lại thờ cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống. Để có thành quả này, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, trong đó có công tác “dân vận khéo”.
Mèo Vạc là huyện đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới, nơi có hơn 95% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Từ năm 1990, một bộ phận người dân trên địa bàn huyện do nhận thức còn hạn chế đã bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục đi theo hiện tượng tôn giáo “San sư khẻ tọ”. Trở thành tín đồ của tôn giáo này, các hộ dân đã dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, không thực hiện các nghi thức theo phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Thêm nữa, các hộ ngày càng xa lánh cộng đồng, không tích cực lao động như trước, chỉ ở nhà cầu nguyện chờ “đấng tối cao” ban phát sức khỏe, vật chất khiến cuộc sống của nhiều gia đình ngày càng thêm khó khăn.

Công an xã Lũng Pù tuyên truyền, vận động các hộ không theo tà đạo “San sư khẻ tọ”.
Xác định hiện tượng đạo lạ “San sư khẻ tọ” tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, huyện Mèo Vạc đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện công tác dân vận nhằm đẩy lùi, xóa bỏ tà đạo. Theo đó, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động các hộ hiểu được bản chất, động cơ, mục đích của hiện tượng tôn giáo sai lệch này. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua các buổi họp thôn, chợ, các nhóm Zalo, Facebook, hệ thống loa truyền thanh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, để công tác tuyên truyền được triển khai hiệu quả, huyện Mèo Vạc chỉ đạo huy động các lực lượng như người có uy tín, hội nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản tham gia thực hiện công tác dân vận để tuyên truyền các hộ theo đạo lạ quay lại phong tục truyền thống. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng, am hiểu ngôn ngữ, phong tục, văn hóa truyền thống nên sẽ thuận lợi trong thực hiện công tác. Với sự kiên trì, bền bỉ, và với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các lực lượng này đã đi sâu, sát từng gia đình theo tà đạo để tuyên truyền, vận động, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các hộ.

Cán bộ xã Pải Lủng vận động người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.
Ngoài ra, huyện Mèo Vạc cũng kết hợp công tác dân vận với việc quan tâm, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo, các chính sách dân tộc đối với các hộ theo tà đạo. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2024, toàn huyện Mèo Vạc đã vận động thành công 100% số hộ theo đạo lạ quay lại thờ cúng theo phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc với 715 hộ/2.818 nhân khẩu.
Xã Sủng Máng là địa phương cuối cùng trên địa bàn huyện Mèo Vạc hoàn thành việc vận động các hộ theo tà đạo quay lại thờ cúng theo phong tục truyền thống. Chủ tịch UBND xã Sủng Máng Vừ Mí Phình chia sẻ: Trước đây, trên địa bàn xã có gần 90 hộ theo đạo “San sư khẻ tọ”. Ban đầu, cấp ủy, chính quyền xã gặp không ít khó khăn trong việc vận động các hộ từ bỏ tà đạo, bởi trình độ, nhận thức của các hộ còn hạn chế, nhất là nhiều hộ đã tin theo hiện tượng tôn giáo này được hơn 20 năm. Song, với quyết tâm chính trị cao, xã tích cực thực hiện các giải pháp, nhất là công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, 100% số hộ trước đây theo đạo lạ nay đã hiểu và tự nguyện bỏ tà đạo.
Ông Chảo Sành Nhàn, thôn Sủng Quáng, xã Sủng Máng chia sẻ: Được sự tuyên truyền của cán bộ xã, gia đình tôi đã hiểu được bản chất của tà đạo “San sư khẻ tọ”, tôi quyết định từ bỏ và quay lại với phong tục truyền thống. Từ khi bỏ đạo này, tôi tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, qua đó giúp tôi mở rộng mối quan hệ, thêm gắn kết tình hàng xóm. Cùng với đó, tôi cũng dành nhiều thời gian để lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình và có thêm điều kiện nuôi các con ăn học.
Một mùa Xuân mới về trên miền đá Mèo Vạc, trong không khí hân hoan, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục đoàn kết, vững tin theo đường lối lãnh đạo của Đảng, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.