Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính giai đoạn 1986 - 1990

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với các quyết sách lớn về chủ trương, biện pháp đổi mới các mặt hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội, giai đoạn 1986 -1990, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã phối hợp chỉ đạo ban hành kịp thời các chính sách tài chính mới thúc đẩy công cuộc đổi mới kinh tế từng bước chuyển động trên rất nhiều phương diện.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với quyết sách lịch sử về Đổi mới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với quyết sách lịch sử về Đổi mới.

Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị

Nhận thức rõ trách nhiệm của tài chính nhà nước trong việc chuyển nền kinh tế từ quản lý theo lối tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ cùng với tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tập trung xây dựng cơ chế, chính sách tài chính theo hướng giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước, khuyến khích phát triển năm thành phần kinh tế.

Việc nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các chính sách, chế độ tài chính về thuế xuất nhập khẩu, thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, chế độ thu trong khu vực kinh tế quốc doanh nhờ đó cũng đã được thực hiện kịp thời. Ngoài ra, hàng loạt chính sách, chế độ về hành chính sự nghiệp, về quản lý sử dụng tài sản, về phân phối lợi nhuận cho xí nghiệp quốc doanh trong thời kỳ chuyển đổi, thay đổi phương thức, hình thức kinh doanh được ban hành trong giai đoạn này.

Các đề án liên quan đến tỷ giá, bù giá, bù lương, phân cấp ngân sách cho các địa phương, điều lệ tổ chức hoạt động, công tác thanh kiểm tra, thắt chặt kỷ cương quản lý tài chính cũng được nâng cao, đặt nền móng cho sự phát triển mới của toàn ngành.

Công tác xây dựng Đảng và giáo dục chính trị tư tưởng

Đây là giai đoạn then chốt của công cuộc đổi mới, là cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội tâm mỗi cán bộ, đảng viên – tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp. Bởi vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng bộ đã tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Thứ nhất, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng về đổi mới của Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị mà tổ chức cơ sở Đảng và cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo tiên phong trong công cuộc mở cửa, đổi mới. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhanh chóng đổi mới về nhận thức, trước hết là xóa bỏ suy nghĩ quản lý “kế hoạch hóa”, kiểu “quản lý chặt” bó buộc và “hành chính hóa” xưa cũ vốn là lối mòn của cơ chế quản lý cũ, làm kìm hãm sự phát triển sản xuất – điều mà Đảng và Nhà nước đã quyết tâm tháo gỡ để đưa đất nước bước sang giai đoạn mở cửa, đổi mới.

Thứ hai, từ sự thấm nhuần tư tưởng đổi mới, trên từng lĩnh vực tài chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhanh chóng và kịp thời thể hiện tinh thần đổi mới trong công việc và nhiệm vụ là sự sáng tạo, giao quyền, phân quyền trong quản lý, tạo động lực mới cho các đối tượng quản lý, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống xí nghiệp quốc doanh được quyền tự chủ về sản xuất - kinh doanh, được làm những gì mà Nhà nước và pháp luật không cấm. Tài chính chỉ tạo cơ chế, chính sách phục vụ, kiến tạo phát triển và thực hiện giám sát, không “ôm đồm”, không “bó buộc” các đối tượng quản lý.

Tinh thần đổi mới được thấm nhuần thông suốt để đi từ nhận thức đến hành động cụ thể là các cơ chế quản lý tài chính phù hợp, phục vụ mở cửa kinh tế đất nước phải nhanh chóng ra đời. Chưa có giai đoạn nào tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, thể hiện bằng hành động, kiên quyết gạt bỏ cái cũ; tinh thần tài chính phải khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội lại lên cao như thời kỳ này.

Có thể khẳng định thành công nổi bật trong giáo dục chính trị tư tưởng giai đoạn 1986 - 1990 của Đảng bộ không chỉ là tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục mọi khó khăn về điều kiện vật chất, sự nỗ lực vượt khó mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy, là sự sáng tạo và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ cũng như mỗi cấp quản lý, từ đó tạo ra hệ thống chính sách tài chính mới, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển rực rỡ của kinh tế đất nước nửa cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Đây cũng là tiền đề tạo nên giai đoạn phát triển rực rỡ về sau, giai đoạn “vàng” của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới, không chỉ nâng tầm nền tài chính quốc gia mà thực sự đã ghi dấu son trong hành trình phục vụ dân tộc, đất nước trong kỷ nguyên đổi mới, hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Giai đoạn từ năm 1986 - 1990, công tác xây dựng Đảng và rèn luyện đội ngũ đảng viên trong của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể: Củng cố tổ chức, cải tiến nội dung sinh hoạt, xây dựng chi bộ, Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh mà hạt nhân là lấy những tiêu chí của nhận thức về tư tưởng, hành động và tiến trình thực hiện đổi mới, mở cửa về tài chính - kinh tế của Đảng làm kim chỉ nam cho xây dựng tổ chức đảng cơ sở cũng như sinh hoạt chi bộ.

Tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ, việc lựa chọn các đồng chí đảng viên tham gia vào ban chi ủy, nhất là đồng chí Bí thư chi bộ đã được thể hiện sự đúng đắn, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đổi mới, sáng tạo, nói đi đôi với làm. Các đồng chí đảng viên là cấp ủy dù có tới 20/32 đồng chí Bí thư Chi bộ lần đầu; 42/90 đồng chí tham gia cấp ủy lần đầu trong toàn Đảng bộ nhưng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm với các mặt công tác, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cũng như từng cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính vững mạnh, kịp thời xây dựng hệ thống thể chế tài chính phục vụ công cuộc đổi mới, mở cửa, phát triển các thành phần kinh tế của đất nước.

Công tác phát triển đảng viên đã được các tổ chức cơ sở Đảng quan tâm. Chỉ tính nhiệm kỳ từ tháng 9/1985 đến tháng 8/1988, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 63 đảng viên. Trong số các đảng viên mới của Đảng bộ có 01 đồng chí là cán bộ cấp Vụ, 25 đồng chí là Trưởng phòng, phó trưởng phòng, 18 đồng chí là nữ (chiếm 29%), 29 đồng chí là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (chiếm 48%). Số đảng viên mới kết nạp đều thể hiện tốt về ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, gương mẫu trong công tác, được quần chúng tín nhiệm. Nhiều chi bộ có chuyển biến rõ rệt trong công tác phát triển Đảng như Chi bộ Ban Thanh tra Tài chính, Chi bộ Vụ Ngoại thương ngoại tệ, Đảng ủy bộ phận Văn phòng Bộ, Chi bộ Công ty Bảo hiểm Việt Nam…

Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong cơ quan Bộ Tài chính đã ngày càng thấm nhuần tư tưởng và tinh thần đổi mới, làm tốt nhiệm vụ giáo dục vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị, tích cực tham gia vào công tác xây dựng chi bộ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới lan tỏa thể hiện rõ trong công tác quản lý tài chính tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Việt Hùng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dang-bo-co-quan-bo-tai-chinh-giai-doan-1986-1990.html