Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên (1953 - 1954)
Giữa năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng thuận lợi cho ta hơn. Quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… dồn địch vào thế bị động. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở khắp các vùng miền, vùng giải phóng được mở rộng thêm.
Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị: “Phương hướng chiến lược không thay đổi” và phương châm “tích cực, chủ động cơ động, linh hoạt”; dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 4 và Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế trưởng thành nhanh chóng qua thử thách, chiến đấu, liên tục tấn công quân địch.
Được Nhân dân che chở, giúp đỡ, trên các cánh đồng từ Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy đến Phú Lộc, Tiểu đoàn 231 của tỉnh đội Thừa Thiên cùng các lực lượng vũ trang địa phương đã lập được nhiều chiến công, nổi bật, tiêu biểu là trận đánh Đại đội Com măng đô, cướp lúa ở Hưng Lộc, tiêu diệt 30 tên địch, bắt sống 1 tên, thu 6 súng.
Gần 45 ngày phòng thủ, đánh trả kiên quyết, anh dũng, quân và dân Thừa Thiên Huế đã diệt hơn 400 tên địch, bị thương 36 tên, bắt sống 7 tên, phá hỏng 2 xe cơ giới, thu 8 súng các loại. Về phía ta lực lượng vũ trang cũng bị tiêu hao nặng.
Cuối tháng 10/1953, tại Chiến khu Dương Hòa, Tỉnh ủy Thừa Thiên mở Hội nghị cán bộ Chính trị và phát động phong trào “Giết giặc lập công”. Ngày 1/11/1953, Hội nghị địch hậu 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên khai mạc, quán triệt nghị quyết về công tác địch hậu của Bộ Tư lệnh Liên khu 4. Hội nghị đã đánh giá lại công tác tư tưởng trong cán bộ và Nhân dân, những sai lầm trong chỉ đạo chiến tranh vùng sau lưng địch.
Thực hiện Nghị quyết của Liên khu ủy, Tỉnh ủy, ở Thừa Thiên Huế, Trung đoàn 101 đã cùng lực lượng vũ trang địa phương phá nhiều cuộc càn quét của địch ở Phú Lộc, Phú Vang. Đặc biệt, tại Lăng Cô, lực lượng Trung đoàn 101 đã phục kích đánh lật nhào một đoàn tàu quân sự của Pháp có 13 toa, chở quân và vũ khí trang bị từ Đà Nẵng chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên; trong đó có 6 toa chở đầy lính, gây cho địch nhiều thiệt hại. Giữa tháng 11/1953, Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325) con đẻ của Nhân dân Thừa Thiên Huế, hành quân sang chiến đấu ở chiến trường Trung Lào, Đông Bắc Campuchia theo điều động của Bộ Quốc phòng.
Tại Thừa Thiên Huế, bước vào Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi. Về phía địch, chúng thực hiện càn quét có trọng điểm vùng đông dân, nhiều của, xung yếu về chính trị, quân sự, chúng cho máy bay ném bom vào Chiến khu Hòa Mỹ, Dương Hòa, tăng cường lực lượng đông hơn nhiều so với các năm trước. Từ nhận định: Thời gian này, địch đang tập trung lực lượng cho các chiến trường chính, do đó, ở Thừa Thiên Huế địch sẽ có sơ hở. Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền chống địch thu thuế, lập tề, bắt lính và công tác địch vận. Phong trào đấu tranh, cơ sở Đảng được phục hồi, lực lượng dân quân du kích được củng cố.
Nắm vững phương châm “lấy đấu tranh vũ trang làm chủ yếu, kết hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế, nhằm phát triển chiến tranh du kích, tích cực đánh cắt giao thông, chống càn quét, kết hợp chặt chẽ đấu tranh giữa 3 vùng: vùng căn cứ du kích, vùng du kích và vùng tạm chiếm”, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vượt qua khó khăn, giữ vững tinh thần quật khởi, đấu tranh liên tiếp với quân địch. Giữa tháng 12/1953, bộ đội địa phương tỉnh phá sập nhiều cầu ở Quốc lộ 1, phục kích đánh 2 đoàn tàu quân sự Pháp có 19 toa tại Lăng Cô làm chết và bị thương 40 tên địch, ngày 19/12/1953, cũng tại Lăng Cô, quân và dân tỉnh nhà lại cài mìn giật nổ lật đổ nhào 1 đoàn tàu của địch, tiêu diệt 100 tên, phá 1 khẩu pháo 75 ly.
Đầu năm 1954, dịp tết Nguyên đán, ta tập kích đồn Văn Thánh, Võ Thánh, đây là Trường đào tạo hạ sĩ quan ngụy do Pháp quản lý và giảng dạy. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Quang Đính, 2 trung đội của tiểu đoàn chủ lực của tỉnh và Đại đội 326 Hương Trà, phối hợp với dân quân du kích xã Hương Mai, Hương Bình, ta bí mật bất ngờ bao vây đột nhập, tiêu diệt 8 tên quân Pháp, thu toàn bộ vũ khí, bắt toàn bộ lính ngụy là học viên, làm công tác địch vận rồi trả tự do. Trong lúc địch đang hoang mang, lo sợ, ta tiếp tục đánh đồn Kim Long, đồn An Hòa, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Tiếp tục phát huy chiến thắng, ta chuyển hướng về hệ thống đồn bốt dọc biển Phong Điền, Quảng Điền. Trong thời gian ngắn, tiểu đoàn chủ lực của tỉnh, phối hợp với Đại đội 300 Phong Điền và dân quân, du kích phá được 4 đồn địch ở Lãnh Thủy, Thế Linh, Thanh Hương, Đại Lộc, Niêm Phò...
Phối hợp với các đợt tấn công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng cũng diễn ra sôi nổi, các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, vận động binh lính bỏ ngũ, đòi chồng con về với gia đình. Trong thời gian ngắn, ở Thừa Thiên Huế có 560 ngụy quân bỏ ngũ về nhà. Ngày 15/2/1954, ở đồn Đại Lộc (Phú Lộc) 150 lính bỏ đồn, đào ngũ mang 180 khẩu súng về với kháng chiến. Ngày càng bị động, địch tăng cường mở các đợt càn quét cả ngày lẫn đêm, chúng tích cực xây dựng các tiểu đoàn bộ binh vừa làm nhiệm vụ chiếm đóng vừa chuyển ra các chiến trường để ứng cứu.
Trung tuần tháng 3 năm 1954, Bộ Tư lệnh Liên khu ủy điện chỉ thị “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và dân quân du kích hãy nhằm đúng thời cơ, nắm vững địa hình, đánh mạnh vào giao thông thủy bộ, tiêu diệt xe tăng, phá đường, ngăn cản sự vận chuyển, tích cực chống càn quét của địch”.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là Liên khu ủy 4, Bộ Tư lệnh Liên khu, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã cùng với Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình, Quảng Trị tạo nên chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa, Bình Trị Thiên quật khởi”. Mặc dù địch tập trung càn quét lớn, dài ngày nhưng quân và dân Thừa Thiên Huế đã trưởng thành qua thử thách kháng chiến. Thế trận chiến tranh nhân dân được củng cố và không ngừng phát triển. Những trận đánh cắt giao thông địch, đánh vào lòng địch, những cuộc đấu tranh chính trị… đã góp phần quan trọng phối hợp với các chiến trường khác trong cả nước lập nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
* Tài liệu tham khảo: Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược 1945-1954. NXB Thuận Hóa.