Đảng bộ Thái Bình: Ba dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ XIX
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu về phát triển kinh tế văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng... Những dấu ấn nổi bật đó là phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các Khu, Cụm công nghiệp đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình; phủ kín hệ thống nước sạch nông thôn đạt 100% và là tỉnh, thành đứng thứ ba trong cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.
Những công trình dấu ấn
Chúng tôi về Thái Bình trong những ngày chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh với không khí lao động khẩn trương, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, Khu kinh tế Thái bình với quy mô 31.000ha đã triển khai đồng bộ việc xây dựng các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết.
Khu kinh tế Thái Bình đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dáng dấp của một trung tâm kinh tế lớn đang dần hiện hữu. Với tính chất là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, Khu kinh tế Thái Bình sẽ trở thành động lực, tạo bước ngoặt đưa kinh tế của tỉnh tăng tốc trong thời gian tới. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất mà nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh 2015-2020 đã đạt được.
Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ (Khu công nghiệp Thaco – Thái Bình) với diện tích gần 200ha tọa lạc tại huyện Quỳnh Phụ cũng đang tích cực giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, tháng 9 tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng của Khu công nghiệp cho chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco thông tin: “Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, Tập đoàn Thaco sẽ tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng trong Khu công nghiệp. Xây dựng khu thực nghiệm cấy các giống lúa sạch xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc để sản xuất các loại bánh. Xây một nhà máy chế tạo máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Trước đó, một số dự án quy mô lớn đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, nhà máy sản xuất Amono nitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ…
Bên cạnh đó, tỉnh luôn chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực, gắn với hình thành hàng lang kinh tế - xã hội, tăng khả năng liên kết vùng. Tỉnh đang tập trung xây dựng tuyến đường bộ ven biển và một số công trình giao thông lớn. Để chăm sóc, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Thái Bình đang xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế 1.000 giường.
Nước sạch về thôn xóm
Một dấu ấn không thể không nhắc tới của Đảng bộ Thái Bình nhiệm kỳ qua là việc chỉ đạo thực hiện phủ kín nước sạch trên toàn tỉnh. Đến nay, Thái Bình là một trong số ít tỉnh đạt 100% hộ dân có nước sạch, sớm hai năm so với mục tiêu đặt ra trong Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước đó.
Nhắc đến Thụy Duyên, Thái Thụy những năm trước ai cũng nghĩ đến một vùng quê nghèo nàn lạc hậu, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn. Nhưng nay điện, đường, trường, trạm đã đổi mới khang trang, đường bê tông từ nhà ra tới đồng. Bà Trần Thị Tiệm - người dân xã Thụy Duyên tâm sự: “Bây giờ nông dân cấy lúa nhàn rất nhiều, ruộng quy hoạch tập trung, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu. Đường giao thông đi lại thuận tiện từ nhà lên tỉnh bằng 1/3 thời gian so với trước kia. Và đặc biệt trong sinh hoạt thì nước máy kéo về tận nhà người dân chúng tôi rất phấn khởi, sức khỏe được nâng lên rõ rệt”.
Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo huy động nguồn lực xã hội đầu tư 31 dự án xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch nông thôn với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Đến nay, có 3/6 Khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Gia Lễ), 2 trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp đang thi công (Khu công công nghiệp cầu Nghìn, Tiền Hải; 94,7% số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý triệt để.
Đơn vị dẫn đầu về xây dựng Nông thôn mới
Xây dựng Nông thôn mới được Đảng bộ tỉnh chú trọng và coi là nhiệm vụ then chốt của toàn tỉnh, cần đẩy mạnh và đã đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2019, Thái Bình là một trong ba tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nghề và làng nghề, công nghiệp dịch vụ ở khu vực nông thôn phát triển mạnh, tạo nhiều việc làm ổn định góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng Nông thôn mới 5 năm (2016-2020) ước đạt gần 10.800 tỷ đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại, củng cố các tiêu chí Nông thôn mới đã đạt được, Thái Bình đã tập trung xây dựng và hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã. Chú trọng đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tăng cường đào tạo nghề, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng nâng cấp và đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao và xã Nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến 2020 có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao và 5 xã (1,9%) đạt tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: “Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là sự kiện đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX; quyết định mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 - 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là: Phát huy những thành quả và kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; huy động mọi nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng”.
Đảng bộ tỉnh Thái Bình hiện có 13 Đảng bộ cấp huyện, tương đương. Trong đó có 8 Đảng bộ huyện, 2 Đảng bộ khối và 3 Đảng bộ lực lượng vũ trang, 699 tổ chức cơ sở Đảng, 260 Đảng bộ xã, phường, thị trấn và 493 Chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp với 108.530 đảng viên. Thái Bình đã triển khai phổ biến các Nghị quyết, kế hoạch, chuẩn bị công tác nhân sự, thành lập các tiểu ban giúp việc, giải quyết triệt để các đơn thư, khiếu nại... Đến nay, Đảng bộ cấp trên cơ sở cơ bản đã Đại hội thành công, các Đảng bộ còn lại dự kiến đầu tháng 8 sẽ tiến hành Đại hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Thái Bình đã thực hiện thành công một số chủ trương như: Có 55 Đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội đều đạt kết quả trên 90%, nhiều Đảng bộ đạt 100%; 2/13 Đảng bộ cấp trên cơ sở thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội; Bên cạnh đó, còn có sự đổi mới về công tác kiểm phiếu bằng máy, kết quả nhanh, chính xác.