Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, định hướng phát triển nguồn nhân lực

Bài 1
TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

*NGUYỄN HỒNG TRÀ

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Tạo cơ hội mới cho GDNN phát triển

Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng công tác GDNN trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, số lượng người lao động có chứng chỉ đào tạo còn thấp so mặt bằng chung cả nước, trong đó tỷ lệ có trình độ trung cấp trở lên còn thấp; trong đào tạo sơ cấp, ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Các cơ sở GDNN trong tỉnh chưa trở thành địa điểm đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp… Trong thời gian tới, cần tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai biện pháp phù hợp và hiệu quả để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giờ thực hành “Mô hình điều khiển rơ le” của học viên Trường cao đẳng Công nghiệp cao su - Ảnh: Hiền Lương

Tỉnh ủy xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của tỉnh bước đầu đã định hình mô hình phát triển kinh tế theo hướng trở thành địa phương thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, đồng thời nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 đột phá chiến lược và đã nêu rõ định hướng xây dựng hệ thống GDNN mở và linh hoạt. Đây là cơ sở quan trọng cho phát triển GDNN thời gian tới của tỉnh và các địa phương trong tỉnh đảm bảo đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với thúc đẩy phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên, hình thành những ngành nghề đào tạo mới, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Những năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ bất ổn chuỗi giá trị sản xuất vốn được tạo nên bởi sự phân tán trong chuỗi sản xuất chung. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, nghèo đói có chiều hướng gia tăng ở một số địa phường vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới đã ảnh hưởng đến việc giáo dục, đào tạo nói chung và GDNN của tỉnh nói riêng. Từ những tác động đó đã ảnh hưởng tới quy mô, số lượng đào tạo chưa tương xứng với dân số trong độ tuổi lao động, với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của các địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển nhanh, nhất là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông đang và sẽ tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có GDNN. Trước những thách thức đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GDNN, tạo cơ hội mới cho GDNN phát triển. Kết luận số 372-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ phải đào tạo nguồn nhân lực theo cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm bền vững.

Ở một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động. Một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số, khả năng tự học của người tốt nghiệp chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Cơ hội phát triển nghề nghiệp của người tốt nghiệp còn hạn chế. Điều này đòi hỏi hệ thống GDNN của tỉnh, đặc biệt là Trường cao đẳng Bình Phước phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để phát triển lĩnh vực GDNN.

Đẩy mạnh liên kết đào tạo

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh đào tạo khoảng 80.000 lao động; phát triển năng lực đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh lên 5.000 học viên/năm; ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Đến năm 2030, phấn đấu tuyển sinh đào tạo khoảng 120.000 lao động. Tiếp tục thực hiện thu hút 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Phấn đấu ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; phấn đấu có 1 trường chất lượng cao; có chương trình đào tạo hợp tác quốc tế. Đến năm 2030, Trường cao đẳng Bình Phước tự chủ từ 70% trở lên…

Từ thực tế nêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở GDNN công lập. Tái cấu trúc và phát triển Trường Cao đẳng Bình Phước thành trường nòng cốt trong công tác đào tạo nghề của tỉnh. Củng cố và mở rộng đào tạo các ngành thuộc khối nghề để đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xã hội trong tỉnh và là đơn vị chủ lực trong đào tạo nghề sau phân luồng. Tiếp tục đào tạo giáo dục mầm non với quy mô phù hợp. Đối với đào tạo khối sức khỏe, xem xét điều kiện cụ thể, tính cấp thiết để liên kết đào tạo (trình độ đại học) và đào tạo một số ngành trọng điểm để đáp ứng ngay dịch vụ khám, chữa bệnh của địa phương.

Củng cố, tăng cường năng lực đào tạo của các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX) tại các địa phương; sẵn sàng đào tạo văn hóa, đào tạo nghề cho các học sinh sau phân luồng, lao động nông thôn. Giai đoạn 2021-2025, các trung tâm GDNN-GDTX tổ chức dạy bổ túc văn hóa, rà soát củng cố năng lực đào tạo nghề theo nhu cầu (việc dạy nghề trong giai đoạn này thực hiện bằng hình thức liên kết với các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh). Giai đoạn 2026-2030, ngoài dạy bổ túc văn hóa, các trung tâm GDNN-GDTX tập trung thực hiện chức năng dạy nghề: tự đào tạo trình độ sơ cấp, liên kết với các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh để đào tạo trình độ trung cấp. Trong quá trình thực hiện, đánh giá số lượng học sinh đầu vào hằng năm để xem xét bố trí giáo viên, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu.

Tăng cường xã hội hóa GDNN. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở GDNN tư nhân tăng cường năng lực đào tạo cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích đào tạo các ngành xã hội có nhu cầu cao. Hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời nhằm thúc đẩy gia tăng nguồn lực đầu tư vào GDNN. Phấn đấu thu hút đầu tư thêm 2 trường trung cấp nghề; thu hút các cơ sở GDNN có uy tín mở phân hiệu, điểm đào tạo tại tỉnh.

Xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai. Chủ động tham gia, định hướng các mạng xã hội về GDNN bảo đảm thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý, cơ sở GDNN, đơn vị sử dụng lao động, gia đình, nhà giáo, người học; hình thành mạng xã hội GDNN mở.

Cải tiến chương trình đào tạo, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu, chuyển dịch lao động khu vực nông thôn và nông dân. Tăng cường công tác điều tra, khảo sát nhu cầu thị trường lao động, nâng cao chất lượng trong hoạt động dự báo nhu cầu việc làm nhằm xác định danh mục các ngành xã hội có nhu cầu. Phát triển chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, cao đẳng; đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân kiến thức về thị trường, kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số, tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ... phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp…

Đẩy nhanh chuyển đổi số, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hợp tác trong GDNN. Phát triển, nâng cấp hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở GDNN sẵn sàng kết nối, đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Hỗ trợ các nền tảng số trong dạy học trực tuyến các cấp độ trong GDNN. Xây dựng kho học liệu số ở tất cả trình độ, ngành nghề đào tạo. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết chương trình hợp tác doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh trong việc hỗ trợ cơ sở GDNN, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDNN công lập trong tỉnh với cơ sở GDNN có uy tín, năng lực, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; nâng cao năng lực giảng viên.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ công tác GDNN theo đúng quy định pháp luật. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình việc làm - GDNN các cấp, thành lập Hội đồng GDNN cấp tỉnh. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào GDNN và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên. Ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động GDNN, đầu tư đồng bộ Trường Cao đẳng Bình Phước. Vận động, quản lý quỹ khuyến học hiệu quả, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc cấp học bổng gắn với cam kết làm việc tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh tự chủ đối với cơ sở GDNN công lập. Chuyển hỗ trợ của Nhà nước từ cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng và số lượng đầu ra.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/139778/dang-bo-tinh-lanh-dao-dinh-huong-phat-trien-nguon-nhan-luc