Đảng Cộng sản Việt Nam - Ánh sáng dẫn đường dân tộc
Ngày 3-2-1930, giữa đêm trường nô lệ, một ngọn đuốc bừng lên soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời một bước ngoặt vĩ đại, một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Từ đây, nhân dân Việt Nam có Đảng dẫn đường, có ánh sáng của lý tưởng cách mạng soi rọi, có niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng. 95 năm đã trôi qua, từ những bước đi đầu tiên đầy gian khó, Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc làm nên những kỳ tích phi thường, viết nên những trang sử hào hùng, đưa đất nước Việt Nam từ bóng tối lầm than vươn tới đỉnh cao của độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển.
Khi Đảng chưa ra đời, cả dân tộc chìm trong nô lệ, lầm than. Trên mảnh đất hình chữ S này, bao cảnh đời rên xiết dưới ách thực dân, bao kiếp người khổ đau dưới ách phong kiến tay sai. Trên trời, mây xám vần vũ; dưới đất, máu xương chất chồng. Những cuộc khởi nghĩa nổ ra rồi chìm trong biển máu, những phong trào yêu nước lần lượt thất bại vì thiếu một ngọn cờ lãnh đạo đủ tầm vóc, đủ trí tuệ và bản lĩnh để tập hợp sức mạnh toàn dân tộc. Và rồi, vào mùa xuân lịch sử năm 1930, từ Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. Đó là mùa xuân của đất nước, là bình minh của cách mạng, là niềm hy vọng của muôn dân.
Từ buổi đầu còn non trẻ, giữa vòng vây đàn áp của kẻ thù, Đảng ta đã kiên cường bám đất, bám dân, gieo những hạt giống đỏ đầu tiên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những chi bộ Đảng lần lượt ra đời, như những mạch nguồn len lỏi trong lòng đất mẹ, khơi dậy sức sống và lòng căm thù giặc của nhân dân.
Ở Kiên Giang, giữa miền sông nước xa xôi, chi bộ Ranh Hạt – chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh đã thành lập vào năm 1932, trở thành ngọn cờ tập hợp phong trào cách mạng ở vùng U Minh gian khó. Ở đó, những người cộng sản kiên trung đã cắm lá cờ hồng trên vùng đất bùn lầy, hun đúc tinh thần yêu nước trong lòng nhân dân, tạo nền móng cho phong trào cách mạng bùng lên mạnh mẽ hơn về sau.
Có Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân không còn rời rạc, tự phát mà dần đi vào tổ chức, có đường lối rõ ràng. Từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến cuộc trường chinh đánh bại đế quốc Mỹ, những người cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc từ thân phận nô lệ vươn lên làm chủ đất nước, giành lại non sông gấm vóc. Lịch sử gọi tên những chiến công hiển hách, vang vọng năm châu, chấn động địa cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 – bản hùng ca lẫy lừng kết thúc một thế kỷ đau thương dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó không chỉ là chiến thắng của quân và dân ta mà còn là chiến thắng của một dân tộc nhỏ bé trước một cường quốc thực dân, là lời tuyên bố hùng hồn với thế giới rằng Việt Nam đã đứng lên, không còn là thuộc địa của bất cứ kẻ nào. Nhưng chưa kịp tận hưởng trọn vẹn niềm vui, dân tộc lại bước vào một cuộc chiến trường kỳ mới, cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ – kẻ thù mạnh nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc.
Hai mươi mốt năm kháng chiến gian khổ, cả nước điêu tàn trong bom đạn, nhưng cũng chính trong lửa đỏ của chiến tranh, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí quật cường của người Việt Nam được hun đúc hơn bao giờ hết. Đảng ta – ngọn đuốc soi đường, đã chèo lái con thuyền cách mạng đi đến bến bờ vinh quang. Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà. Dưới lá cờ búa liềm, cả nước hân hoan trong niềm vui giải phóng, trong ánh sáng rạng ngời của độc lập, tự do.
Chiến tranh đi qua, đất nước bước vào công cuộc xây dựng mới, nhưng khó khăn không hề ít. Đống hoang tàn sau chiến tranh, những ngày tháng thiếu thốn lương thực, nền kinh tế bao cấp trì trệ… tất cả đặt lên vai Đảng một trách nhiệm lớn lao: làm sao để đưa đất nước đi lên, làm sao để nhân dân có cuộc sống đủ đầy, làm sao để Việt Nam vững vàng trên bản đồ thế giới. Và Đảng đã chọn một con đường: đổi mới.
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng mở ra công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Từ một nền kinh tế khép kín, nghèo nàn, Việt Nam dần mở cửa, hội nhập, phát triển mạnh mẽ. Những cánh đồng xanh màu lúa, những khu công nghiệp sầm uất, những thành phố vươn cao… tất cả là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Nếu trước đây, thế giới chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh, thì hôm nay, Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ kinh tế khu vực, là thành viên tích cực trong các tổ chức quốc tế, là đất nước của những kỳ tích phát triển.
Nhìn lại chặng đường 95 năm, có ai không xúc động trước những gì Đảng đã làm cho dân tộc này? Từ một tổ chức chính trị nhỏ bé hoạt động trong bóng tối, Đảng đã trưởng thành, vững vàng chèo lái con thuyền đất nước qua bao thác ghềnh. Từ một dân tộc nô lệ, Việt Nam đã hiên ngang đứng trên đôi chân của mình, tự chủ, độc lập và vững bước trên con đường phát triển.
Nhưng chặng đường phía trước còn dài, nhiệm vụ của Đảng vẫn còn nặng nề. Giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền độc lập thiêng liêng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân… là những nhiệm vụ mà Đảng đang gánh vác. Nhưng với những gì đã trải qua, với bản lĩnh kiên cường của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi tới những mùa xuân rực rỡ hơn, đưa đất nước sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Mỗi lần tháng Hai về, mỗi lần nhắc đến ngày 3-2, lòng ta lại trào dâng niềm tự hào vô bờ bến. Đảng – ánh sáng của Đảng – vẫn tỏa rạng trên con đường đi tới, soi sáng tương lai của đất nước. Chúng ta, những thế hệ hôm nay và mai sau, mãi mãi biết ơn Đảng, mãi mãi khắc ghi công lao của những người cộng sản tiền bối đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc.
Mùa xuân 2025, dưới cờ đỏ sao vàng, chúng ta cùng cất lên một lời hứa: nguyện đi theo Đảng đến cùng, nguyện góp sức mình xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hùng cường. Vì Đảng là niềm tin, là lẽ sống, là tương lai của dân tộc Việt Nam!