Đang diễn ra Hội thảo 'Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế'
Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế, góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.
Sáng nay (14-5), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” tại Tân Sơn Nhất Pavillon (TP.HCM) với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thi hành án, thẩm định giá bất động sản, dự án bất động sản; chuyên gia độc lập,…

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Chủ trì Hội thảo là GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM và nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM.
Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật THADS (sửa đổi). Theo dự thảo tờ trình của bộ, qua hơn 16 năm thi hành, Luật THADS năm 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Dù vậy, công tác THADS trên thực tiễn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản nhà đất có giá trị lớn, rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp đến giai đoạn thi hành án thì xuất hiện các vấn đề pháp lý phát sinh, cần phải xác minh, làm rõ…; dẫn đến nhiều vụ án lớn, dù đã tuyên án nhiều năm những vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (bên phải) trao đổi cùng ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM tại Hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết 68, Nhà nước đảm bảo tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đảm bảo nguyên tắc "ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước".
Theo đó, "trường hợp áp dụng thực tiễn pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo".

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM tham dự Hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nghị quyết cũng yêu cầu phải bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Có thể thấy, theo tinh thần của Nghị quyết 68 thì trong một vụ án, việc xử lý tài sản để khắc phục hậu quả là vô cùng quan trọng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM bày tỏ: "Chúng ta nhận thức rằng tinh thần của Nghị quyết 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, đảm bảo sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn vậy, tinh thần đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa vào các văn bản pháp luật liên quan; trong đó có Dự luật sửa đổi Luật THADS mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng".

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chính vì lẽ đó, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo hôm nay với mong muốn các quý vị chuyên gia cùng nhau phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đối chiếu với các quy định pháp luật và quan trọng hơn hết, đề xuất những giải pháp, những kiến nghị để hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc xử lý tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Với vai trò là cơ quan báo chí chính thống, tiếng nói của UBND TP.HCM, Báo Pháp Luật TP.HCM mong muốn không chỉ là cầu nối thông tin giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, mà còn là một kênh đóng góp ý kiến thiết thực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng, những ý kiến đóng góp tại hội thảo hôm nay sẽ không chỉ góp phần sửa đổi Luật THADS mà còn lan tỏa đến các luật liên quan khác, tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy kinh tế và thu hút đầu tư", ông Mai Ngọc Phước nói.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng cơ quan Đại diện Liên đoàn tại TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nhiều bất cập, khó khăn khi thi hành án
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa gửi lời cảm ơn báo Pháp luật TP.HCM đã đưa vấn đề rất nóng đối với hệ thống THADS và được Đảng, Nhà nước quan tâm để tổ chức hội thảo.
Theo ông Hòa, hiện nay, sau một thời gian thi hành Luật THADS đã có nhiều bất cập, quy định chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập thi hành.
Hiện tại, Cục THADS TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 18 trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy không còn cấp chi cục và phân theo cấp khu vực. Đồng thời, Cục THADS TP.HCM được Bộ Tư pháp giao là đơn vị tiên phong để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Cục THADS TP.HCM cũng đang tập trung cao độ để báo cáo cấp thẩm quyền sớm trình dự thảo Luật THADS trước Quốc hội.
Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa.
Theo Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, tại TP.HCM tỷ lệ về tiền trong thi hành án kinh tế, tham nhũng chiếm tỉ lệ cao trong cả nước.
Trong những năm gần đây, đối với án kinh tế, tham nhũng ngoài việc chú trọng tội danh, hình phạt thì giá trị thu hồi tài sản đạt được bao nhiêu mới là quan trọng. Kết quả thu hồi trong những năm qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do giai đoạn điều tra, truy tố xét xử kéo dài, tính chất pháp lý chưa làm rõ; những đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản...
Hiện nay, Cục THADS TP.HCM đang phối hợp với CQĐT để THA xử lý tài sản trước khi tuyên án theo tinh thần Nghị quyết 164/2024 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Qua kinh nghiệm vụ án của bà Trương Mỹ Lan, Cục THADS TP.HCM đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan C03 - Bộ Công an, Tòa án, VKS và luật sư... để làm rõ tính chất tài sản, dòng tiền ngay từ giai đoạn điều tra.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hòa cũng lưu ý về khó khăn, khi tại giai đoạn xét xử, tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản mà chỉ căn cứ cáo trạng, KLĐT để tuyên, dẫn đến Cục THADS gặp vướng khi xử lý tài sản. Chẳng hạn như tài sản của người phạm tội nhưng đứng tên là người khác dẫn đến tranh chấp; giấy phép dự án hết hạn do quá trình điều tra kéo dài; chưa có quy định về xử lý tài sản hình thành trong tương lai; quy trình xử lý cổ phần, cổ phiếu thông qua kiểm toán hay thông qua định giá...