Người phụ nữ ở Hà Nội mất hơn 900 triệu đồng vì 'kịch bản' quen thuộc
Một người phụ nữ tại Hà Nội sau khi nhận cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là 'shipper' đã sập bẫy lừa đảo, mất hơn 900 triệu đồng và sau đó trình báo công an.
Ngày 14/5, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, vào ngày 8/5, Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ) tiếp nhận đơn trình báo của chị H. (sinh năm 1985, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa mất hơn 900 triệu đồng.
Vào ngày 6/5, chị H. nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên giao hàng (shipper), thông báo bà có một đơn hàng cần thanh toán. Do tin tưởng, chị đã chuyển tiền. Sau đó, đối tượng gọi lại, nói rằng đã gửi nhầm số tài khoản và hướng dẫn người phụ nữ này cách nhận lại tiền cũng như hủy thẻ hội viên.
Đối tượng gửi cho chị một mã QR, hướng dẫn sử dụng tài khoản ngân hàng để quét mã nhằm được hoàn tiền và hủy thẻ. Do chủ quan, chị H. đã dùng tài khoản ngân hàng cá nhân quét mã và nhấn xác nhận, dẫn đến việc tài khoản bị trừ toàn bộ số tiền hiện có, khoảng 2 triệu đồng.
Khi thắc mắc với “nhân viên chăm sóc khách hàng”, chị H. được thông báo là đã thao tác sai và được yêu cầu quét mã lại để nhận lại tiền.
Liên tiếp sau đó, chị tiếp tục dùng các tài khoản ngân hàng khác để quét mã theo hướng dẫn và bị trừ thêm nhiều lần. Đối tượng liên tục dụ dỗ rằng cần chuyển thêm tiền để được hoàn lại toàn bộ số tiền đã mất.
Tổng cộng, chị H. đã chuyển hơn 900 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi bị yêu cầu chuyển thêm 200 triệu để “hoàn tất thủ tục hoàn tiền”, chị mới nghi ngờ và đến cơ quan công an trình báo.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa xác minh rõ thông tin đơn hàng, và không truy cập các đường link hoặc quét mã QR do người lạ gửi.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu mã vận đơn. Người dân nên chủ động sử dụng các kênh chính thống này để kiểm tra thông tin đơn hàng, đảm bảo đúng hàng đã đặt trước khi thanh toán hoặc nhận hàng.
Trong trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng trình báo tại cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.