Dáng đứng Bến Tre giữa thời bình (Kỳ cuối)
Sáng nay (14/6), tỉnh Bến Tre phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý 'Bến Tre' cho 7 sản phẩm, gồm: sầu riêng, tôm càng xanh, cua biển, nghêu, chôm chôm, xoài tứ quý và gạo.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết tỉnh đang tiếp tục triển khai đăng ký xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dừa công nghiệp, tôm biển, bò và gà; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho bưởi da xanh, dừa xanh, sầu riêng tại Canada và Trung Quốc. Với kết quả này, Bến Tre đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thuộc tốp đầu cả nước trong nỗ lực xây dựng chỉ dẫn địa lý...
Theo PGS.TS Lâm Văn Tân, Giám đốc sở KH&CN Bến Tre, từ thành công của 2 chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho dừa xiêm xanh và bưởi da xanh, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục chỉ đạo ngành KH&CN phối hợp với các đơn vị tư vấn và địa phương tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho các loại nông sản chủ lực, mang tính đặc thù của tỉnh.
Nông sản miệt biển “lên đời”
Hôm theo QL57 về huyện biển Thạnh Phú – vùng đất nằm cuối cù lao Minh, chúng tôi thật sự sững sờ khi nhiều nông dân nơi đây vẫn còn giữ được Nàng Keo – tên một giống lúa mùa cổ truyền (6 tháng mới thu hoạch) từng được trồng và gìn giữ từ cách đây cả trăm năm.
Nhiều nông dân nơi đây cho biết, do có tính chịu mặn cao, nên Nàng Keo rất phù hợp với vùng đất ven biển thường hay bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm nhập mặn. “So với nhiều giống lúa ngắn ngày, năng suất lúa Nàng Keo không cao nhưng bù lại, cơm được nấu từ gạo này rất thơm ngon, càng nhai chậm càng thấy vị ngọt đậm đà rất đặc thù. Nhiều du khách khi đến đây mua gạo Nàng Keo về sử dụng hoặc làm quà cũng là vì vậy”, nông dân Sáu Kiếm, nhà cạnh chợ xã Giao Thạnh cho biết. Không dừng lại ở đó, sự kết hợp rất sáng tạo giữa trồng lúa Nàng Keo với nuôi tôm qua thực tế cho thấy đây là mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Không chỉ phấn khởi khi vào đầu 2/2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo này, nhiều nông dân ở đất biển Thạnh Phú, nhất là bà con nông dân tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải rất vui mừng khi xoài tứ quý được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhớ lần tháp tùng cùng một đoàn công tác của Trung ương về Thạnh Phú, sau khi tham quan một số cơ sở nuôi tôm công nghệ cao thành công tại đây, chúng tôi được nghe một thành viên trong đoàn khen nức nở sau khi được thưởng thước xoài tứ quý. Nhiều người cũng nhận ra sự khác biệt khi so với giống xoài cùng loại nhưng được trồng ở các vùng khác, đó là thịt trái xoài sống rất giòn, ít xơ, vị ngọt chua, xen lẫn vị mặn và mùi thơm nhẹ. Với trái xoài chín, rất ít xơ, có vị ngọt đậm và mặn nhẹ. Nông dân một số xã ở 2 huyện biển còn lại của Bến Tre là Ba Tri và Bình đại với thổ nhưỡng của vùng đất giồng cát ven biển như Thạnh Phú cũng trồng được xoài tứ quý ngon tương tự như thế…
Lãnh đạo Sở KH&CN Bến Tre thông tin thêm, từ việc phối hợp thực hiện một đề tài khoa học liên quan đến xoài tứ quý, đến nay đã xây dựng thành công quy trình chế biến và bảo quản 3 sản phẩm từ giống xoài này, gồm xoài sấy dẻo, nước uống xoài và bột xoài. Quy trình công nghệ này hiện cũng được chuyển giao cho một HTX tại địa phương.
Không dừng lại ở hạt gạo, trái xoài, dân nuôi nghêu ở 3 huyện biển của Bến Tre (Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri) cũng rất vui khi con nghêu vừa được bảo hộ vào đầu tháng 6/2024 vừa qua.
Có một thực tế dù Việt Nam có nhiều vùng nuôi nghêu nhưng đến năm 2009, mới chỉ có duy nhất “Nghêu Bến Tre” được Hội đồng Quản lý biển Quốc tế cấp Chứng nhận MSC; đến cuối tháng 5/2024 vừa rồi được tái công nhận lần 3 (hiệu lực đến 5/2029). Với nhiều đặc tính vượt trội (thịt nhiều, sau khi hấp chín có vị ngọt đậm, béo ngậy) do được nuôi ở bãi triều tự nhiên, giữa 2 vụ nuôi bãi nghêu được nghỉ 6 tháng, cùng với yếu tố con giống, chứng nhận MSC đã giúp nghêu Bến Tre rộng cửa vào các thị trường khó tính như Mỹ, các nước EU, Nhật Bản...
Bừng lên ngọn lửa “Đồng Khởi mới”
Đến nay đã có khoảng 140 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (chủ yếu trong nước). Thông qua đó, các đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý được nâng tầm. Việc khai thác và quảng bá cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn; đồng thời giúp thu hút đầu tư và quảng bá du lịch cho vùng có đặc sản đó.
Nhiều năm qua, mỗi khi đặt chân đến Bến Tre, nhiều du khách rất thích thú trước nhiều đặc sản “cây nhà lá vườn”. Kể thêm về các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bến Tre cho biết, hai năm sau khi dừa xiêm xanh và bưởi da xanh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, ngày 11/5/2020, giống sầu riêng Monthoong và Ri6 được… “xướng tên”. Tiếp đó, các ngày 14/4/2021, 19/4/2021 và 28/11/2023, các nông sản cua biển, tôm càng xanh và chôm chôm cũng lần lượt được chứng nhận.
Có những điều khá thú vị liên quan đến những “sản vật” độc đáo vừa kể. Chẳng hạn như đối với sầu riêng, so với nhiều địa phương khác cùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, hoặc khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, diện tích trồng của Bến Tre chẳng đáng kể (chỉ khoảng 2.200ha). Thế nhưng, trái sầu riêng xứ Dừa lại đặc biệt thơm ngon, được nhiều người trong nước và khách… Tây ưa chuộng.
Với trái chôm chôm của Bến Tre, người sành ăn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt so với loại trái cây này (cùng giống Java) được trồng tại vùng đất đỏ bazan Đông Nam bộ - vùng trồng chôm chôm nhiều nhất Việt Nam. Đó là thịt quả mỏng, quả ngọt đậm và có vị mặn nhẹ, nhưng rất đặc sắc…
Dòng Cửu Long trước khi đổ ra biển có 9 nhánh sông lớn hợp thành, nhưng riêng Bến Tre đã có 4 nhánh (sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên), mang theo lượng phù sa rất lớn, bồi đắp cho đất đai và đổ ra cửa sông lắng đọng tạo thành nhiều bãi bồi. Nguồn thức ăn dạng phù du cho cua biển ở đấy cũng rất phong phú,...
Tại các cửa sông lớn của Bến Tre, có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng sinh học cao. Đây là môi trường sống, nơi trú ẩn, bãi đẻ rất lý tưởng cho cua biển (và nhiều loài cá, động vật ăn thịt khác). Chính đặc thù này đã tạo nên loài cua biển rất giàu các axit amin, protein, lipit và các chất dinh dưỡng khác. Chất lượng ngon đặc thù của cua biển Bến Tre còn được quyết định bởi cua được nuôi theo phương thức quảng canh, chẳng khác môi trường tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh...
Ai cũng biết, chất lượng sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, nông dân. Chỉ dẫn địa lý là một trong những cách thức tốt nhất để bảo hộ tính chất đặc trưng của sản phẩm, bảo hộ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng ổn định, đạt các tiêu chí đăng ký. Nay mai đây, Bến Tre lại có thêm tin vui…
Phấn khởi khi ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến tự hào cho biết cách nay hơn 6 thập kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân xứ Dừa với phương thức đấu tranh sáng tạo, độc đáo đã thổi bùng lên ngọn lửa Đồng Khởi – khởi đầu cho phong trào đồng loạt nổi dậy, đồng lòng khởi nghĩa toàn miền Nam, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay, phát huy những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, triệu con tim, bàn tay, khối óc và đặc biệt là ý chí vươn lên mãnh liệt trong bao thế hệ người con xứ Dừa lại được kế thừa. Và phong trào “Đồng Khởi mới” lan tỏa, đi sâu vào câu chuyện sinh kế cho người dân, đó là câu chuyện của vườn dừa, vườn cây ăn trái, của con nghêu, con cua, của con tôm, hạt gạo,… Đang có thêm nhiều cơ hội để vươn lên, nông dân xứ Dừa càng tự hào khi ngày đêm đóng góp vào sự phát triển đi lên của địa phương, hoàn thiện dần và sáng lên một “Dáng đứng Bến Tre” trong thời bình”, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến bày tỏ.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/dang-dung-ben-tre-giua-thoi-binh-ky-cuoi--i734327/