Dâng hương, dâng hoa đồng chí Trần Phú và các liệt sĩ bến Vũng Rô - Tàu Không số

Trong khuôn khổ hội nghị toàn quốc tổng kết 35 năm công tác biên soạn, phát hành, sử dụng tài liệu sinh hoạt chi bộ (1989-2024) và Hội nghị báo cáo viên Trung ương toàn quốc tổ chức tại Phú Yên, chiều 10/7, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quân ủy Trung ương, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) cùng các đại biểu đến từ các tỉnh, thành, đã dâng hương, dâng hoa đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và các anh hùng, liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô.

Đoàn đại biểu cán bộ tuyên giáo các tỉnh thành trong cả nước chụp hình lưu niệm tại Di tích khảo cố quốc gia Thành An Thổ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Đoàn đại biểu cán bộ tuyên giáo các tỉnh thành trong cả nước chụp hình lưu niệm tại Di tích khảo cố quốc gia Thành An Thổ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Tham gia đoàn dâng hương tại Di tích lịch sử Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng có các đồng chí: Đinh Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Nguyễn Thị Hoài My, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên và gần 100 cán bộ làm công tác tuyên giáo ở trung ương và các tỉnh thành trong nước.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại làng An Thổ, tổng An Sơn, phủ Tuy An (trước 1898, là làng Long Uyên, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân; nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An). Cha ông là Giáo thụ Trần Văn Phổ, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1897, ông Phổ đỗ Giải nguyên. Năm 1901, nhận lệnh triều đình Huế vào giữ chức Giáo thụ Phủ Tuy An. Ông Trần Văn Phổ đã đưa cả gia đình vào Tuy An sinh sống. Chính tại nơi này, vào ngày 1/5/1904, một ngôi sao sáng của bầu trời cách mạng Việt Nam - đồng chí Trần Phú đã cất tiếng khóc chào đời và trải qua những năm tháng đầu đời tại đây.

Trước anh linh của đồng chí Trần Phú, các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, noi gương đồng chí Trần Phú và các bậc tiền bối phát huy truyền thống cách mạng anh hùng vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn đại biểu chuẩn bị thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Di tích lịch sử Tàu Không số - Vũng Rô. Ảnh: NHƯ THANH

Đoàn đại biểu chuẩn bị thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Di tích lịch sử Tàu Không số - Vũng Rô. Ảnh: NHƯ THANH

Tại di tích lịch sử Vũng Rô, đoàn công tác đã tham quan khu di tích, nghe và các thông tin về những chiến tích của quân và dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông.

Vũng Rô là một trong những bến quan trọng tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con tàu Không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu Không số. Riêng chuyến thứ tư cập bến vào tháng 2/1965 đã bị địch phát hiện nên quân ta phá hủy cho chìm xuống biển. Lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu để bảo vệ các chiến sĩ trên con tàu Không số vượt vòng vây, ra Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong trận chiến này, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Vũng Rô được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào ngày 18/6/1997.

Tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ bến Vũng Rô - Tàu Không số, đoàn công tác đã thành kính dâng lên những nén hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vòng hoa thiêng liêng đã được thả trên bến Vũng Rô trước sự kính cẩn nghiêng mình của các thế hệ hôm nay.

TRẦN QUỚI - HỒ NHƯ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/318328/dang-huong-dang-hoa-dong-chi-tran-phu-va-cac-liet-si-ben-vung-ro-tau-khong-so.html