Đang khảo sát 3 nguồn cát đưa về công trường cao tốc trục ngang qua Cần Thơ

Cát ở Tiền Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng đang được Cần Thơ khảo sát, xúc tiến để đưa về công trường dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Vận dụng mọi nguồn cát

Hơn một tháng qua, công trường dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được đưa về khoảng 50.000m3 cát. Số cát này được khai thác từ mỏ cát Bình Phước Xuân trên sông Tiền ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), mỏ cát trên có tổng trữ lượng gần 3,3 triệu m3, nhưng khối lượng đủ điều kiện sử dụng cho dự án chỉ vào khoảng 2,3-2,4 triệu m3.

Những sà lan cát đầu tiên về tới công trường dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Những sà lan cát đầu tiên về tới công trường dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Điều này có nghĩa, dự án cần khoảng 4,7 triệu m3 cát san lấp nữa. Việc tìm thêm nguồn cung cát đang được Cần Thơ ráo riết thực hiện thời gian qua.

Đối với chất lượng cát trên sông Hậu thuộc địa bàn Cần Thơ, qua nghiên cứu, đánh giá, chủ đầu tư cho biết cát ở đây có nhiều tạp chất hữu cơ, bùn nên không đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng cho thiết kế đường cao tốc.

Từ đó, ngoài việc đề nghị An Giang tiếp tục xem xét, hỗ trợ cấp thêm mỏ cát trên địa bàn tỉnh, Cần Thơ cũng đã làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng.

Cụ thể, hồi tháng 8/2023, sau khi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tiền Giang, chủ đầu tư và nhà thầu đã khảo sát mỏ Cái Thia và một số mỏ cát khác trên sông Tiền. Sau đó, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị hỗ trợ cát cho dự án.

Cuối năm 2023, chủ đầu tư có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Long và Sở TN&MT tỉnh này về việc hỗ trợ thực hiện các thủ tục xin gia hạn giấy phép khai thác mỏ cát trên sông Hậu, đoạn thuộc xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Mỏ cát này có trữ lượng khoảng 800.000m3.

Dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần khoảng 7 triệu m3 cát san lấp.

Dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần khoảng 7 triệu m3 cát san lấp.

Ông Lê Nhựt Thủ, Phó giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ) cho biết, mỏ này đã được cấp phép nhưng đã hết hạn. Đơn vị đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long cho gia hạn mỏ cát này để có thể mua cát từ đây nhưng chưa nhận được phản hồi.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ TN&MT hồi cuối năm 2023, chủ đầu tư cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng về việc hỗ trợ nguồn cát biển phục vụ cho dự án.

Đầu năm 2024, chủ đầu tư cũng đã có công văn giới thiệu các nhà thầu đến liên hệ, làm việc với tỉnh Sóc Trăng và các sở ngành liên quan để đăng ký nhu cầu sử dụng và thực hiện các thủ tục khai thác cát biển.

Dù vậy, đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng cho biết việc khai thác cát biển làm vật liệu san lấp dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù phải chờ ý kiến, hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương.

Đối với các mỏ cát sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hồi đầu tháng 4/2024, chủ đầu tư cũng đã có công văn giới thiệu nhà thầu đến đăng ký nhu cầu khai thác cát sông phục vụ cho dự án.

Ông Thủ cho biết, Sóc Trăng có khoảng 16 triệu m3 cát sông. Dù vậy, đây là trữ lượng khảo sát ban đầu, không phải hoàn toàn đủ điều kiện để thi công cao tốc. "Ngoài ra, Sóc Trăng cũng phải ưu tiên nguồn cát sông này cho dự án thành phần 4 của họ. Khi cân đối đủ mới có thể chia sẻ cho Cần Thơ", ông Thủ cho hay.

Chủ trương đã có, giờ là lúc tập trung thực hiện

Thực tế, từ lúc bốn thành phần dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đồng loạt khởi công, Trung ương và bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề cát san lấp cho dự án.

Trước đó, tại Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 7/8/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng về dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải có nội dung: "Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... chỉ đạo nhà thầu triển khai ngay các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Tổ chức làm việc ngay với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng để thống nhất vị trí, trữ lượng, triển khai các thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu thi công".

Thủ tướng trong chuyến thị sát cao tốc trục ngang qua Cần Thơ hôm 12/5.

Thủ tướng trong chuyến thị sát cao tốc trục ngang qua Cần Thơ hôm 12/5.

Tiếp đó, ngày 29/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7532/VPCP-CN về ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, theo đó: "Việc rà soát, điều phối nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1) đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 378/TB-VPCP ngày 14/9/2023.

Qua đó, đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả rà soát, điều phối nguồn vật liệu cát trên địa bàn để cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong vùng".

Mới đây, hôm 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi thị sát dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tại đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo nhanh chóng tháo gỡ vấn đề vật liệu cát để lấy lại tiến độ cho dự án.

Thủ tướng cho biết, chủ trương đã xong, giờ là lúc tập trung thực hiện. Có khó khăn gì thì địa phương, chủ đầu tư báo cáo Chính phủ. Thủ tướng cũng nhắc nhở các địa phương có dự án đi qua gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng phải sắp xếp thời gian làm việc với nhau để xem dự án đang thực hiện thế nào. Qua đó, tháo gỡ những vướng mắc tồn tại, sớm đưa dự án về đích.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.

Dự án gồm bốn dự án thành phần, đồng loạt khởi công hồi 17/6/2023. Trong đó, dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, dài hơn 57km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn Cần Thơ, chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng.

Và dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dang-khao-sat-3-nguon-cat-de-dua-ve-cong-truong-cao-toc-truc-ngang-qua-can-tho-192240514111803776.htm