Đằng sau cơn chấn động chính trị lịch sử thời hậu chiến ở Đức

Ông Merz đã để vuột ghế Thủ tướng ở vòng bỏ phiếu kín đầu tiên, dù về công khai, số thành viên ủng hộ ông vượt quá số phiếu tối thiểu cần thiết.

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức, phát biểu tại Berlin, ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức, phát biểu tại Berlin, ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn RBC Ukraine, việc bổ nhiệm ông Friedrich Merz làm thủ tướng mới của Đức gần như chắc chắn đã thất bại. Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) hiện đang tìm kiếm những người chịu trách nhiệm và cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Việc bỏ phiếu không thành công để bổ nhiệm ông Friedrich Merz làm thủ tướng đã gây chấn động nước Đức. Những sự cố như vậy chưa từng xảy ra trong lịch sử hậu chiến của đất nước.

Càng đáng ngạc nhiên hơn khi các cuộc đàm phán liên minh giữa khối CDU/CSU do ông Merz lãnh đạo và đảng Dân chủ Xã hội đã diễn ra khá suôn sẻ. Liên minh mà họ thành lập chiếm đa số - dù không quá chênh lệch - với 328 trong số 630 ghế tại Bundestag (Quốc hội Đức). Và Friedrich Merz là ứng cử viên duy nhất cho chức thủ tướng từ liên minh.

Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên để bổ nhiệm ông đã thất bại - chỉ có 310 đại biểu bỏ phiếu ủng hộ, không đạt yêu cầu là 316. Điều gây bất ngờ nằm ở chỗ, với tổng số phiếu mà liên minh giữa CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả có được trong Quốc hội sau khi ký thỏa thuận liên minh là 328 phiếu, thì ông Merz còn "thừa" 12 phiếu cần thiết để có thể được bầu làm Thủ tướng.

Tại sao cuộc bỏ phiếu cho ông Merz lại thất bại?

Ở Đức, người đứng đầu chính phủ được bầu bằng cách bỏ phiếu kín. Vì vậy, không thể biết chính xác ai trong liên minh đã phá hoại thỏa thuận và từ chối ủng hộ ông.

Cả hai thành viên liên minh - khối CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội - đều công khai phủ nhận mọi trách nhiệm.

Nhưng có thể có lý do từ cả hai bên để một số thành viên từ chối ông Merz. Trong số những người Dân chủ Xã hội (SPD), không phải ai cũng ủng hộ việc tham gia liên minh với CDU/CSU là đối tác cấp dưới. Thỏa thuận liên minh chỉ được 85% đảng viên ủng hộ, nghĩa là có một số giữ quan điểm phản đối trong SPD.

Ông Merz cũng có thể bị phản bội bởi các thành viên trong chính đảng của mình. Ngay cả trước cuộc bỏ phiếu, ông đã phải đối mặt với sự chỉ trích trong CDU/CSU. Một lý do là ông đã từ bỏ một trong những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mình - cắt giảm chi tiêu ngân sách. Ngược lại, vào cuối phiên họp Bundestag trước đó, ông đã thúc đẩy những thay đổi hiến pháp cho phép tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng thông qua nợ công.

Lãnh đạo đảng CSU của Đức Markus Soeder (thứ nhất, trái), lãnh đạo đảng CDU Friedrich Merz (thứ 2, trái) cùng đồng lãnh đạo đảng SPD Lars Klingbeil (thứ 2, phải) và Saskia Esken tại lễ ký thỏa thuận liên minh ở Berlin, ngày 5/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Lãnh đạo đảng CSU của Đức Markus Soeder (thứ nhất, trái), lãnh đạo đảng CDU Friedrich Merz (thứ 2, trái) cùng đồng lãnh đạo đảng SPD Lars Klingbeil (thứ 2, phải) và Saskia Esken tại lễ ký thỏa thuận liên minh ở Berlin, ngày 5/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện tại, phiên họp Bundestag đã bị đình chỉ và các phe phái trong đảng đang tổ chức tham vấn về cách tiến hành. Hầu hết đều nghiêng về việc rút ngắn quá trình chuẩn bị cho vòng bỏ phiếu thứ hai, diễn ra ngày 7/5. Nếu không, cuộc bỏ phiếu có thể không diễn ra cho đến ngày 9/5.

Đối với ông Merz, tình hình trở nên phức tạp do một số yếu tố. Đầu tiên, ông đã có lịch trình dày đặc các sự kiện quốc tế quan trọng trong tuần này, nơi ông được dự kiến sẽ xuất hiện với tư cách là Thủ tướng Đức. Điều này tạo ra áp lực phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới càng sớm càng tốt.

Nhưng cũng có khía cạnh chính trị - do phải bỏ phiếu kín, không rõ ông Merz cần phải hợp tác với phe phái nội bộ nào để giành được sự ủng hộ của họ. Nếu ông thất bại lần thứ hai, đó sẽ không chỉ là một bước lùi - mà sẽ là một thảm họa chính trị toàn diện. Ông Merz chắc chắn đang cân nhắc những rủi ro này ngay bây giờ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Merz thất bại một lần nữa?

Theo luật pháp Đức, nếu ứng cử viên Thủ tướng không giành được đa số tuyệt đối (316 trong số 630 phiếu bầu) trong vòng hai, thì phải tổ chức ngay vòng bỏ phiếu thứ ba.

Ở vòng ba, người chiến thắng chỉ cần được nhiều phiếu hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác. Vì Merz là ứng cử viên thực sự duy nhất, nên ông sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong vòng này.

Khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ phải quyết định có nên bổ nhiệm Merz làm Thủ tướng hay giải tán Bundestag và kêu gọi bầu cử mới. Với lập trường chính trị của Steinmeier, ông gần như chắc chắn sẽ chọn phương án đầu tiên.

Ai được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng chính trị của Đức?

Cuối cùng, Friedrich Merz vẫn nắm nhiều khả năng trở thành thủ tướng mới của Đức. Nhưng việc phải đối mặt với những vấn đề như vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế chính trị của ông. Các sự kiện ngày hôm nay cho thấy ông Merz không thể dựa vào sự ủng hộ vững chắc từ các đồng minh trong liên minh của mình. Và ông sẽ cần sự ủng hộ đó để thực hiện chương trình nghị sự của mình, một chương trình mà ông mô tả là rất tham vọng.

Trong khi đó, người chiến thắng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng Bundestag là phe đối lập lớn nhất - Đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD). Lãnh đạo của đảng này, Alice Weidel, tuyên bố rằng liên minh CDU/CSU và SPD đã cho thấy sự yếu kém của mình, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội sớm. Theo các cuộc thăm dò dư luận hiện tại, AfD đang là đảng dẫn đầu rất rõ rệt.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-con-chan-dong-chinh-tri-lich-su-thoi-hau-chien-o-duc-20250506185520157.htm