Đằng sau đế chế hùng mạnh nhất Kpop
Xuất phát điểm không thuộc Big 3, song với hệ thống quản lý và vận hành hiệu quả, HYBE đã vươn lên trở thành đế chế hùng mạnh nhất ngành công nghiệp âm nhạc Kpop hiện nay.
Theo truyền thông, HYBE hiện được coi là công ty giải trí số một Hàn Quốc. Nhãn hiệu nhiều năm liên tiếp ghi nhận mức lợi nhuận khổng lồ, vượt xa các đại diện Kpop khác như SM, YG hay JYP. Theo báo cáo, doanh thu năm ngoái của HYBE đạt mức 1,37 tỷ USD. Trong khi đó, tổng doanh thu của cả SM, YG, JYP cộng lại mới đạt 1,2 tỷ USD.
Thành công vang dội của loạt nghệ sĩ như BTS, Seventeen, TXT, NewJeans… giúp HYBE ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Từ năm 2021, nhãn hiệu này liên tiếp được tạp chí TIME đưa vào danh sách “100 công ty có ảnh hưởng nhất thế giới”. Top 100 được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về mức độ phù hợp, tác động, sự đổi mới, khả năng lãnh đạo, tham vọng và sự thành công.
Theo giới chuyên môn, dù xuất phát điểm ở mức thấp, HYBE đã phát triển thành tập đoàn giải trí quy mô toàn cầu. Thành công hiện tại chính là kết quả của một hệ thống quản lý, vận hành chặt chẽ và hợp lý.
Bộ máy quản lý chuyên nghiệp
Tạp chí TIME từng khẳng định công ty và Bang Si Hyuk đã góp phần lớn giúp "biến đổi ngành kinh doanh âm nhạc". Hay nói cách khác, chính bộ máy quản lý với người đứng đầu là Chủ tịch Bang Si Hyuk đã đưa HYBE vươn tầm thế giới.
Sinh ra trong gia đình học thức cao, Bang Si Hyuk lại có đam mê âm nhạc từ nhỏ. Bởi vậy, trong thời gian theo học tại Đại học Quốc gia Seoul, ông đã ra mắt với tư cách là một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Năm 2005, Bang Si Hyuk thành lập công ty riêng lấy tên là Big Hit. 8 năm sau, ông cho ra mắt BTS.
Kể từ đó, Bang Si Hyuk từng bước đưa Big Hit từ một công ty giải trí nhỏ lẻ trở thành tập đoàn đa quốc gia HYBE Corporation với thành công mở đường của BTS. Năm 2022, ông được nhận bằng tiến sĩ danh dự về Kinh doanh từ Đại học Quốc gia Seoul, cũng là nhân vật đầu tiên trong ngành giải trí được trao tặng tấm bằng danh giá này.
Bên cạnh nhà sáng lập, bộ máy quản lý của HYBE được điều hành bởi những cá nhân xuất sắc. Đứng ngay sau Chủ tịch Bang là Park Ji Won - CEO của HYBE. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại, ông từng là Giám đốc điều hành của Nexon.
Theo Korea Herald, khi còn hoạt động ở Nexon, nhà lãnh đạo 46 tuổi đã được ghi nhận có đóng góp to lớn trong việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp, thiết lập một môi trường linh hoạt và phát huy khả năng sáng tạo của nhân viên.
Với đầu óc nhanh nhạy và khả năng phán đoán thị trường chính xác, Park Ji Won đã mang đến những sự thay đổi lớn cho HYBE khi chú trọng cải tổ và mở rộng hệ thống nội bộ phù hợp với tốc độ tăng trưởng vượt bậc của công ty.
Điều hành hoạt động của HYBE ở thị trường Mỹ là hai Giám đốc Yoon Seok Jun và Scooter Braun - người sáng lập và lãnh đạo Ithaca Holdings, nhãn hiệu quản lý loạt nghệ sĩ quốc tế như Justin Bieber, Ariana Grande...
Korea Herald cho biết kể từ khi gia nhập Big Hit vào năm 2010 với tư cách là người phụ trách kế hoạch chiến lược, Yoon Seok Jun đã góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của HYBE trong ngành giải trí.
Sau khi được bổ nhiệm làm đồng Giám đốc điều hành, nhà lãnh đạo 45 tuổi nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty ra nước ngoài bằng cách củng cố mạng lưới toàn cầu bao gồm cả việc ký kết hợp tác chiến lược với Universal Music Group và mua lại gã khổng lồ truyền thông Ithaca Holdings.
Trong khi Yoon Seok Jun phụ trách việc bản địa hóa mô hình kinh doanh Kpop, giám sát quá trình đào tạo, sản xuất tiếp thị qua đó phát hiện ra những tài năng mới, thì "ông trùm âm nhạc người Mỹ" - Scooter Braun – tập trung vào việc củng cố sự hiện diện của HYBE trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ.
Vị trí chủ chốt cuối cùng trong bộ máy quản lý của HYBE là Giám đốc điều hành HYBE Japan - Han Hyun Rok. Theo HYBE, nhà lãnh đạo 40 tuổi đã mở đường cho các nghệ sĩ của HYBE tiến vào thị trường Nhật Bản nhờ tư duy và tầm nhìn kinh doanh độc đáo. Với tư cách là Giám đốc điều hành trụ sở Nhật Bản, trách nhiệm chính của ông là gia tăng sức mạnh mô hình kinh doanh độc lập của công ty.
Vận dụng hiệu quả nền tảng nội bộ
Dựa vào cơ cấu kinh doanh của HYBE năm 2022, doanh thu trực tiếp từ album, buổi hòa nhạc và quảng cáo chiếm 54% (khoảng 75 triệu USD). Trong khi đó, nguồn thu gián tiếp như bản quyền nội dung và câu lạc bộ người hâm mộ chiếm 46% (khoảng 62 triệu USD).
Có thể thấy, doanh thu trực tiếp và gián tiếp của HYBE gần như ngang nhau. Tuy nhiên, công ty lập kế hoạch chủ yếu dựa vào nguồn doanh thu trực tiếp - nơi các nghệ sĩ có thể tạo ra lợi nhuận từ các hoạt động của họ. Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra doanh số bán hàng ở nước ngoài của HYBE cao gấp đôi so với trong nước.
Điều này đã thúc đẩy HYBE mở rộng sự phát triển của nền tảng Weverse, cho phép người dùng tương tác với các nghệ sĩ mọi lúc mọi nơi thông qua điện thoại thông minh.
Han Hyun Rok cho biết: “Việc sớm áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào việc tạo ra mạng xã hội của riêng mình đã giúp HYBE vươn lên chiếm ưu thế so với các công ty tìm kiếm tài năng khác".
Trang Naver đánh giá sức mạnh IP (sở hữu trí tuệ) của Weverse tăng lên đáng kể từ khi tích hợp với ứng dụng V-Live. Theo đó, ngoài nghệ sĩ trực thuộc HYBE, các thần tượng Kpop đều có thể gia nhập mạng lưới này. Mới đây, BlackPink cũng đã tham gia nền tảng.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tài khoản đăng ký hoạt động hàng tháng ở Weverse đã lên tới con số 8,4 triệu.
Hoạt động dưới hệ thống đa nhãn
Theo Asiae, việc thiết lập một hệ thống đa nhãn hiệu đã thúc đẩy sự phát triển ngày càng lớn mạnh của HYBE trên thị trường thế giới. Tại đây, các đơn vị trực thuộc tập đoàn vừa được đảm bảo việc hoạt động một cách độc lập lại vừa nhận được sự hỗ trợ từ công ty tổng cho các hoạt động đầu tư, sáng tạo.
Hiện tại, HYBE đang điều hành tổng cộng 10 nhãn hiệu cả trong lẫn ngoài nước. Trong đó, Big Hit Music, Pledis Entertainment, Belift Lab, Source Music, ADOR, KOZ... hoạt động dưới sự quản lý của HYBE Labels.
Giới chuyên môn chỉ ra ưu điểm lớn nhất của hệ thống đa nhãn chính là tối đa hóa tiềm năng của từng nghệ sĩ. Thay vì chỉ có một công ty gánh vác tất cả trách nhiệm, các hãng có thể đưa ra cách xử lý phù hợp với định hướng và hình ảnh mà họ tạo dựng cho nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng được lựa chọn riêng cho từng nhãn hiệu nhằm duy trì hoạt động ổn định và đều đặn của các nghệ sĩ. Nhờ hệ thống hoạt động được kết nối chặt chẽ, HYBE không chỉ thành công với BTS mà còn với các nghệ sĩ khác như TXT, Seventeen, NewJeans…
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-de-che-hung-manh-nhat-kpop-post1417342.html