Đằng sau 'đòn đánh' của ông Trump nhằm vào hai 'đại gia' Nam Mỹ
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hôm 2/12 rằng Mỹ sẽ áp thuế lên nhôm, thép của Brazil và Argentina, dường như mở ra một cuộc thương chiến mới.
Và sau đây là năm nguyên nhân dẫn tới động thái này của ông Trump.
Liên quan tới thương chiến Mỹ-Trung
Ông Trump viết trên Twitter rằng, ông muốn khôi phục những khoản thuế vốn được miễn trước đây do hai quốc gia Nam Mỹ này đã “giảm giá mạnh đồng tiền của họ”, và theo ông thì điều này ảnh hưởng tiêu cực tới người nông dân Mỹ.
Những khoản thuế đánh vào thép nhôm lần đầu tiên được áp dụng hồi tháng 3/2018, đã đánh dấu bước khởi đầu chính thức sự thay đổi đột ngột của ông Trump trong chính sách thương mại so với các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ.
Nhà Trắng đã sử dụng luật ban hành từ năm 1962 cho an ninh quốc gia Mỹ để làm đòn bẩy nhằm tái đàm phán nhiều thỏa thuận với các đối tác thương mại truyền thống.
Cả Brazil và Argentina đều hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung. Khi chính quyền Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách cắt giảm lượng nông sản mua từ Mỹ và chuyển hướng sang mua hàng từ Brazil và Argentina.
Điều này khiến nông dân Mỹ bị tổn thất nặng, nhất là những người trồng đậu nành và chăn nuôi lợn, vốn luôn coi Trung Quốc là một thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm của họ. Và Mỹ buộc phải đưa ra khoản trợ cấp chính phủ lên tới 28 tỷ USD để bù đắp cho người nông dân bị thiệt hại do thương chiến của ông Trump.
Động thái ông Trump đe dọa tăng thuế lên nhôm thép Brazil và Argentina có thể là cách tạo áp lực lên hai nước này giảm bán nông sản cho Trung Quốc.
“Vấn đề này là về Trung Quốc. Động thái này đặt hai quốc gia Nam Mỹ vào tình thế mong manh. Không cần nhắc tới việc bạn lo lắng về sự ảnh hưởng về kinh tế đang tăng lên của Trung Quốc tại khu vực Mỹ La-tinh, việc áp thuế lên Brazil và Argentina sẽ là cách đối phó hiệu quả nhất”, CBS trích lời bà Monica de Bolle thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nói.
Khôi phục các khoản thuế là "bất hợp pháp"
Một số chuyên gia hôm 2/12 nói rằng, đạo luật cho phép ông Trump có thẩm quyền áp dụng thuế quan mới không thể áp dụng, vì khung thời gian áp đặt thuế đã hết hạn.
Ông Trump lần đầu tuyên bố thuế về kim loại vào tháng 3/2018 dưới đạo luật năm 1962, cho phép Mỹ áp thuế khi an ninh quốc gia nước này bị đe dọa. Hiện Brazil và Argentina đang xuất khẩu hàng sang Mỹ theo hệ thống hạn ngạch.
CBS trích lời cựu quan chức thương mại Jennifer Hillman nói rằng, cuộc tranh luận về “hạn ngạch lên thép nhôm Brazil-Argentina là bất hợp pháp”, bởi đạo luật trên chỉ cho ông Trump “quyền hạn hành động trong thời gian quy định”, hay 90 ngày từ thời điểm bản báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/3/2018, và chỉ trong trường hợp Mỹ bị đe dọa về an ninh.
Các doanh nghiệp thép Mỹ hưởng lợi từ giá cao
Cổ phiếu các doanh nghiệp thép Mỹ hôm 2/12 đã tăng sau quyết định tuyên bố của ông Trump. Cụ thể, cổ phiếu AK Steel Holding tăng 6,9%, U.S. Steel tăng 3,8% và Steel Dynamics là 1,4%. U.S.Steel là một trong những tập đoàn tăng giá nhiều lần đối với một số loại thép trong tháng 11. Việc giá nguyên liệu tăng đồng nghĩa với vấn đề chi phí cho các nhà sản xuất sẽ cao hơn.
Ngành sản xuất tại Mỹ đang suy thoái
Ngành sản xuất tại Mỹ tụt dốc tháng thứ tư liên tiếp, bởi xung đột thương mại và nền kinh tế toàn cầu suy yếu, theo khảo sát do Viện Nghiên cứu Quản lý cung ứng (ISM), một hiệp hội các nhà quản lý mua hàng.
Đơn đặt hàng mới, sản xuất và tuyển dụng đều giảm, và đơn hàng xuất khẩu đã giảm trong tháng 11 sau khi tăng vào tháng 10. Các doanh nghiệp do dự và không muốn đầu tư, cho đến khi họ thấy một sự rõ ràng hơn về việc khi nào và làm thế nào các cuộc xung đột thương mại của Tổng thống Trump sẽ kết thúc.
Theo ISM, những người tham gia cuộc khảo sát đã đặt mối quan tâm thương mại toàn cầu lên hàng đầu. “Chúng tôi dự đoán sự không chắc chắn về chính sách thương mại sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động sản xuất trong năm 2020”, nhiều nhà kinh tế học thuộc Học viện Tài chính Oxford cho biết.
Áp lực sẽ xây dựng các thỏa thuận thương mại
Chính quyền Trump đang đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, hiện Mỹ-Trung vẫn chưa đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc đàm phán phức tạp, dù tuyên bố hồi tháng 10 cho biết việc đàm phán ‘thỏa thuận bước 1’ đang được tiến hành.
Một đợt thuế mới của Mỹ áp lên 160 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 tới, và lần này sẽ đánh thuế lên các mặt hàng như điện thoại di động và đồ điện tử.
Và nếu những khoản thuế này có hiệu lực, gần như toàn bộ hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế một khi cập cảng Mỹ. Bộ trưởng Thương mại mỹ Wilbur Ross trả lời Foxnews hôm 2/12 rằng, ông Trump đã “nói rõ ràng là ông ấy sẽ áp thuế” nếu không có thỏa thuận nào đạt được.
Nhà Trắng cũng đang chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn bản sửa đổi Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, hay còn được biết đến với tên USMCA. Những hạng mục cuối của USMCA sẽ được công bố trong tuần này, và hiệp định có thể sẽ được ký kết trước khi hết năm.