Đằng sau những thương hiệu quốc dân biến mất
Dễ thấy các công ty tại Việt Nam không đi xa, đi sâu vào sản xuất kinh doanh dựa trên thương hiệu đã có như các nước trong khu vực. Hoặc là họ bán cho nước ngoài, hoặc chuyển vốn vào bất động sản…
Nhiều người đã tiếc cho các thương hiệu mạnh vào thập niên 1990 như kem đánh răng Dạ Lan, nước ngọt Tribeco... rồi sau đó đã suy tàn, hoặc bị bán cho công ty nước ngoài.
Tiếc nhất có lẽ là nước ngọt Tribeco bị bán rẻ. Nếu có đủ vốn triển khai, Tribeco hoàn toàn có thể lớn như Tân Hiệp Phát.
Một thương hiệu mà ông chủ Trịnh Thành Nhơn cho là bán rẻ là Công ty Hóa Mỹ phẩm Sơn Hải với kem đánh răng Dạ Lan, với tổng số tiền bán 7 triệu USD giai đoạn 1995...
Tuy nhiên, các thương hiệu bị cho là bán rẻ trong giai đoạn 1990 - 1995 chỉ là đứng dưới góc độ định giá bây giờ, khi nền kinh tế thị trường Việt Nam đã lớn với GDP trên 400 tỷ USD.
Môi trường kinh tế giai đoạn đó chủ yếu hỗ trợ cho các công ty nhà nước và chưa có thị trường chứng khoán để IPO lên sàn thu hút vốn đầu tư lớn. Do vậy, Công ty Hóa Mỹ phẩm Sơn Hải được bán với giá 7 triệu USD lúc đó là tốt.
Còn vì sao Tribeco bị bán thấp và mất thương hiệu? Đó cũng là do cơ chế kinh tế lúc đó chưa ủng hộ công ty nhà nước cổ phần hóa thành công ty cổ phần đại chúng huy động vốn. Cơ chế lúc đó thường chọn hình thức liên doanh. Diễn tiến sau đó chỉ có một số quan chức thu lợi ít, còn công ty dần dần thua lỗ (có chủ đích) và sau đó nhường thị phần cho công ty liên doanh nước ngoài.
Điều này cũng phù hợp với những công ty có thương hiệu mạnh được bán khi thị trường chứng khoán đã phát triển như Kinh Đô, Bia Sài Gòn (Sabeco) - những công ty này đều bán giá tốt tương xứng với định giá trong môi trường kinh tế thị trường và thị trường chứng khoán đã phát triển.
Thực tế, sự phát triển của doanh nghiệp phải đi đôi với sự phát triển của thị trường vốn. Hiện nay, khi thị trường chứng khoán đã phát triển mạnh, các doanh nghiệp muốn đứng vững không thể chỉ dựa vào sản xuất mà cần có chiến lược huy động vốn bài bản. Mô hình công ty cổ phần đại chúng niêm yết là phương án tối ưu để đảm bảo tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trở lại câu hỏi lớn hơn, vì sao các thương hiệu của Việt Nam trong thời kỳ thuận lợi, thị trường chứng khoán phát triển chưa vươn ra quốc tế như các công ty của Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... trong khi nguồn vốn và nhân lực không hề thua kém.
Câu hỏi này có thể "giải mã" một phần - do Việt Nam có 3 đợt phát triển mạnh thị trường bất động sản, đem lại siêu lợi nhuận hơn nhiều lần với đầu tư sản xuất kinh doanh.
Do đó, các công ty Việt Nam khi lớn thì chuyển qua làm bất động sản dễ hơn và sinh lời nhanh hơn. Chúng ta cũng thấy trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất vẫn là ngân hàng và bất động sản...
Quay trở lại với Công ty Hóa Mỹ phẩm Sơn Hải với thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan, lúc đó nhà sáng lập Trịnh Thành Nhơn có 7 triệu USD là số tiền rất lớn, nếu đầu tư bất động sản khu vực Thủ Đức... sẽ thành công ty “khổng lồ”.
Dễ thấy là nhiều công ty tại Việt Nam không đi xa, đi sâu vào sản xuất kinh doanh dựa trên thương hiệu đã có như các nước trong khu vực. Hoặc là bán cho nước ngoài, hoặc là chuyển vốn vào bất động sản chứ không tổ chức chuyên môn hóa, đầu tư công nghệ để có sản phẩm hàm lượng công nghệ và khả năng cạnh tranh.
Do vậy, đa số công ty sản xuất hàng công nghiệp của Việt Nam thường ở mức độ lắp ráp dựa trên bán thành phần phẩm nhập từ Trung Quốc, dẫn đến giá trị gia tăng không cao, và giá trị xuất siêu vào Mỹ có yếu tố nhập siêu từ Trung Quốc.
Vấn đề thuế quan với Mỹ đang được Chính phủ nỗ lực đàm phám, giải quyết thành công để giảm mức thuế, giúp kinh tế không bị suy giảm. Tuy nhiên để giải quyết gốc rễ bền vững, Việt Nam phải có những công ty sản xuất hàng hóa mạnh, có giá trị gia tăng để phù hợp với môi trường kinh doanh thương mại quốc tế sắp tới. Muốn vậy, không chỉ cần các doanh nhân giỏi để phát triển công ty thành công, mà phải có các điều kiện từ môi trường kinh tế.
Thứ nhất, thị trường chứng khoán phải minh bạch và quản lý hiệu quả, để giúp các công ty tốt tại Việt Nam có môi trường huy động vốn, phát triển thành công ty công nghệ cạnh tranh thế giới.
Thứ hai, Chính phủ phải quản lý được thị trường bất động sản, để không còn tình trạng cứ đổ vốn vào chờ sinh lời cao.
Thứ ba, Chính phủ phải bảo vệ được bản quyền, thương hiệu, không có hàng gian, hàng giả.
Còn đối với các doanh nghiệp, nếu không sẵn sàng lớn mạnh, không minh bạch tài chính và không chịu thay đổi theo cơ chế thị trường, họ sẽ khó trụ vững và dần bị thay thế bởi các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn.