Đằng sau sự bất thường đẩy giá vàng trong nước cao hơn thế giới 15 triệu
Thị trường vàng trong nước thời gian gần đây đã có một số diễn biến khác biệt so với thời gian trước, đó là chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vượt 10 triệu, có lúc lên đến 15 triệu đồng/lượng và tiếp tục tồn tại tình trạng thị trường vàng nhiều giá.
Những ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục có những phiên “tăng nóng”, “giảm sốc”. Chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, tại thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng, vàng nhẫn SJC và các loại khác trong những cũng có nhiều biến động như vậy. Có những phiên, giá vàng miếng SJC trong nước đã tăng 4 triệu đồng/phiên nhưng có khi lại giảm đến 6 triệu đồng/lượng/phiên.

Rất nhiều người dân đã đi mua vàng trong những ngày gần đây, tuy nhiên mỗi người chỉ được giới hạn 1,2 chỉ vàng tùy thời điểm. Ảnh: NGỌC DIỆP
Chỉ bán nhỏ giọt
Theo khảo sát của phóng viên PLO tại một số khu vực kinh doanh vàng lớn trên địa bàn Hà Nội như phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy..., khá đông người dân đi mua vàng.
Tại một số chuỗi kinh doanh vàng bạc đá quý lớn như Bảo Tín Minh Châu, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đã có những thời điểm mỗi người dân bị giới hạn chỉ được mua 1 hoặc 2 chỉ vàng.
Tại một tiệm vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, trong một ngày nhiều khi có đến hơn 400 người mua vàng. Với mỗi căn cước công dân, người dân sẽ được mua vàng 1 lần trong ngày trên toàn hệ thống, lượng mua mỗi người khoảng 1 đến 2 chỉ.
Đồng thời cũng xảy ra hiện tượng trong hệ thống cửa hàng cùng một hệ thống, thương hiệu, nhưng có cửa hàng báo hết vàng miếng vàng nhẫn, có cửa hàng vẫn còn hàng. Chính vì vậy có những khách muốn mua sẽ phải đi khá nhiều nơi mới tìm được vàng để mua.

Một tiệm vàng lớn ở Hà Nội cho biết trong ngày họ đã phát ra hơn 400 số mua vàng. Ảnh: NGỌC DIỆP
Tuy nhiên, có những người mua nhưng cũng có nhiều người bán. Những người mua vàng thường xếp hàng ở bên ngoài cửa hàng nhưng những người bán vàng sẽ được gọi riêng vào một khu vực phía trong, khối lượng bán phổ biến khoảng từ 3,4 cây đến 7,8 cây. Lượng bán của một người có khi bằng lượng mua của mấy chục người.
Chênh lệch giá thế giới – trong nước có lúc vượt 15 triệu đồng/lượng
Phân tích về diễn biến chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước thời gian gần đây, TS. Phạm Đức Anh - Phó trưởng phòng NCKH & Tư vấn, Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng Hà Nội cho rằng: Nhìn tổng thể, có thể thấy Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng. Theo Nghị định số 24/2012, nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hầu như không nhập khẩu vàng nguyên liệu hoặc cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này khiến nguồn cung trong nước bị hạn chế nghiêm trọng so với nhu cầu.

TS. Phạm Đức Anh - Phó trưởng phòng NCKH & Tư vấn, Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng Hà Nội - Ảnh: NVCC
Cũng theo TS. Phạm Đức Anh, khi nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung bị hạn chế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã tăng mạnh giá bán và nới rộng chênh lệch giữa giá mua và bán từ 1,5 triệu lên 3 triệu đồng/lượng. Điều này đã đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, thậm chí có lúc lên đến 13 triệu đồng/lượng, có lúc hơn 15 triệu đồng/lượng.
Một yếu tố khác đáng chú ý là sự thiếu vắng các kênh đầu tư thay thế hiệu quả. Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, thị trường chứng khoán và bất động sản chưa đủ sức hấp dẫn, theo đó, tất yếu thấy rằng vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn, là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh kinh tế còn đó nhiều bất định.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, diễn biến chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước thời gian qua có nguyên nhân từ việc người dân mua nhiều hơn bán và có nhiều người đã chốt lời rồi quay lại “lướt sóng” tiếp.
Giai đoạn trước có thời điểm giá vàng thế giới loanh quanh khoảng 103 triệu đồng/lượng, khi đó giá vàng vượt mốc tâm lý quan trọng 100 triệu đồng/lượng nên nhiều người bán ra dẫn đến tình trạng giá thế giới tăng nhưng giá trong nước giảm nhẹ.
Tuy nhiên sau đó giá vàng thế giới tiếp tục tăng. Những người đã chốt lời thấy rằng họ đã bán lúa non nên họ mua trở lại. Những người giữ vàng không có ý định bán vì họ nghĩ rằng giá vàng sẽ còn tăng nữa. Theo quy luật cung cầu, không có nhiều người bán nhưng vẫn có nhiều người mua, giá vàng trong nước vì vậy tăng mạnh.
Giải pháp nào giúp bình ổn thị trường vàng?
Nói về giải pháp giảm chênh lệch giá vàng và bình ổn thị trường vàng trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng trong thời gian tới, NHNN khả năng cao sẽ có can thiệp để làm sao cho chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng miếng trong nước không quá 5 triệu đồng/lượng. Nhưng khi neo mức chênh lệch như vậy thì giá vàng các loại trên thị trường chợ đen cũng sẽ cao hơn.

Ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. Ảnh: NVCC
Giai đoạn trước, đã có thời gian 5 ngân hàng thương mại bán vàng ra để bình ổn, nhưng không mua được vàng. Khi đó xảy ra tình trạng 10h mở cửa bán vàng nhưng 10h1 phút đã hết vàng.
Với bối cảnh hiện tại, theo ông Huân, để bình ổn thực sự chỉ có khi mà tăng được nguồn cung vàng nhưng điều đó không nên làm bởi dự trữ ngoại hối cần được sử dụng cho những mục đích cần thiết hơn.
Còn TS Phạm Đức Anh đưa ra nhóm 5 giải pháp để bình ổn thị trường vàng bao gồm: Thứ nhất, cần xem xét việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng. Chúng ta nên cho phép một số doanh nghiệp lớn, uy tín và các ngân hàng thương mại quốc doanh được nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Có thể tham khảo mô hình của Trung Quốc, nơi khoảng 13 đơn vị gồm doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc lớn và ngân hàng thương mại nhà nước được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, sau đó bán sỉ cho các công ty nhỏ hơn.
Thứ hai, cần phân tách rõ ràng giữa vàng trang sức và vàng miếng. Vàng trang sức nên được coi là sản phẩm tiêu dùng thông thường và cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất. Nhu cầu nhập khẩu vàng cho mục đích này ước tính chỉ khoảng 1-2 tỉ USD/năm, không đáng kể so với nhập khẩu các hàng hóa khác như mỹ phẩm, điện thoại hay túi hiệu.
Thứ ba, cần thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức để tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. Sàn giao dịch sẽ giúp vàng được giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp, đồng thời giảm thiểu các giao dịch "chợ đen". Trên sàn này, người tham gia có thể giao dịch tín chỉ vàng do nhà nước phát hành hoặc giao dịch kỳ hạn, giúp đa dạng hóa hình thức đầu tư vàng mà không cần thiết phải nắm giữ vàng vật chất.
Thứ tư, trong ngắn hạn, NHNN cần tăng cường can thiệp thị trường bằng cách bán vàng trực tiếp ra thị trường để đáp ứng nhu cầu, ổn định giá và hạ nhiệt tâm lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Diễn biến giá vàng miếng SJC trong 1 tháng qua, chênh lệch giá mua vào - bán ra tăng mạnh. Nguồn: Giá Vàng
Thứ năm, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm như trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ trên thị trường vàng. Đồng thời, NHNN cần chủ động truyền thông để ổn định tâm lý xã hội, giảm bớt tâm lý đầu cơ và đầu tư theo đám đông.
Mục tiêu cuối cùng của các giải pháp trên nhằm xây dựng một thị trường vàng hiện đại, linh hoạt, minh bạch và liên thông với thế giới, đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu, từ đó giúp giá vàng trong nước xoay quanh giá vàng thế giới với mức chênh lệch hợp lý khoảng 3-5 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng đồng thời tiếp tục tồn tại tình trạng có nhiều giá khác nhau cho cùng một sản phẩm vàng. Ví dụ như ngay trên phố Trần Nhân Tông vào chiều 23-4, khi mà giá vàng miếng, vàng nhẫn tại các cửa hàng lớn đang bán ra ở ngưỡng 119 triệu đồng/lượng, nhưng khách mua bị giới hạn số lượng chỉ 2 chỉ. Ngay cùng trên con phố đó, chỉ cách vài bước chân, nếu mua ở một số cửa hàng nhỏ lẻ, khách có thể mua bao nhiêu cũng có, nhưng giá lên đến 122 triệu đồng/lượng.