Củng cố 'bệ đỡ' tiêu dùng nội địa nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8%

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển thị trường trong nước không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà còn nâng cao năng lực nội sinh, củng cố tinh thần tự lực, tự cường.

Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

Tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" sáng 25/4, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, với quy mô hơn 100 triệu dân, thị trường nội địa đang và sẽ tiếp tục là điểm tựa chiến lược cho tăng trưởng và ổn định kinh tế quốc gia.

Trong những thời điểm thử thách như đại dịch COVID-19 hay khi dòng chảy thương mại quốc tế gặp khó, chính thị trường trong nước đã trở thành "bệ đỡ" vững chắc, giúp duy trì sản xuất và kích thích tăng trưởng.

Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với 3 phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm. Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP như vậy, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức.

"Trong bối cảnh hiện nay, với các rào cản thương mại quốc tế gia tăng, việc phát triển thị trường trong nước không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà còn nâng cao năng lực nội sinh, củng cố tinh thần tự lực, tự cường", ông Bùi Anh Tuấn nói.

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Ảnh: nhadautu).

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Ảnh: nhadautu).

Chia sẻ về dự thảo kế hoạch phát triển thị trường nội địa, ông Tuấn cho biết quý I/2025 ghi nhận những tín hiệu khả quan: tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong cả năm, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng sau các dịp lễ có dấu hiệu chững lại; sức mua còn dè dặt trước những bất ổn kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu và khu vực - cả về giá cả lẫn chất lượng đang đặt doanh nghiệp nội vào thế khó. Thêm vào đó, rủi ro thiếu hụt hàng hóa thiết yếu và biến động giá cả đòi hỏi các biện pháp điều hành linh hoạt, kịp thời.

Ông Tuấn cũng lưu ý tỉ lệ doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy chiếm tỉ trọng lớn, vẫn loay hoay với các bài toán về vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường.

“Những thách thức này đòi hỏi loạt giải pháp đồng bộ, vừa cấp bách để kích cầu, vừa dài hạn để phát triển bền vững”, Phó Cục trưởng nói.

Phân tích sâu hơn vai trò của tín dụng trong phát triển thị trường tiêu dùng, ông Trần Anh Thắng - Thành viên HĐQT Eximbank cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% năm 2025, tiêu dùng nội địa đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Ông Trần Anh Thắng - Thành viên HĐQT Eximbank.

Ông Trần Anh Thắng - Thành viên HĐQT Eximbank.

Từ năm 2018 đến nay, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã tăng từ 4,4 triệu tỷ đồng lên 6,39 triệu tỷ đồng vào năm 2024.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Mặc dù cơ cấu chi tiêu đang dần đa dạng, bán lẻ vẫn chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu và liên tục chiếm hơn 50% GDP, cho thấy sức nặng của tiêu dùng trong nội lực tăng trưởng.

Đáng chú ý, theo ông Thắng, chính sách thuế quan mới từ Mỹ dù không tác động trực tiếp, nhưng lại ảnh hưởng gián tiếp tới giá cả và tâm lý thị trường. Đây có thể trở thành cơ hội để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và định vị lại thương hiệu hàng Việt.

“Thời điểm vàng để khuyến khích tiêu dùng hàng Việt là lúc này, thông qua khuyến mãi, ưu đãi vay tiêu dùng và chính sách thuế hỗ trợ sản xuất trong nước”, ông Trần Anh Thắng nhấn mạnh.

Tín dụng tiêu dùng: Thúc đẩy cầu, lan tỏa sản xuất

Cũng theo ông Trần Anh Thắng, tín dụng và tiêu dùng nội địa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong giai đoạn 2019-2024, dữ liệu cho thấy khoảng cách tăng trưởng giữa chi tiêu hộ gia đình và tín dụng tiêu dùng không chỉ về độ lớn mà còn về nhịp điệu tăng trưởng và khả năng cộng hưởng.

Khoảng cách tăng trưởng này là chỉ báo rủi ro dài hạn. Nếu chỉ “bơm” tín dụng tiêu dùng mà không có các giải pháp thực chất để tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng, thì dòng tín dụng sẽ không phát huy hết tác dụng lan tỏa đến kinh tế thực.

Đồng thời, khi tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình yếu, toàn bộ nền kinh tế mất đi “trụ đỡ” quan trọng, tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu - vốn dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh vai trò của việc số hóa toàn trình vay: từ định danh điện tử (eKYC), phê duyệt tự động đến rút ngắn thời gian giải ngân xuống còn vài giờ. Ngoài ra, các ngân hàng cần triển khai gói tín dụng theo mùa vụ như “tín dụng dịp Tết, nhập học, du lịch hè”… phù hợp với chu kỳ chi tiêu của người dân.

Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là độ phủ tín dụng tại khu vực nông thôn và các vùng xa còn hạn chế, dù nhu cầu rất cao. Eximbank đã có các bước tiếp cận tại Cà Mau, Bạc Liêu, vùng giáp Bình Dương… nhưng vẫn gặp nhiều rào cản về địa lý, hạ tầng và thông tin. Do đó, theo ông Thắng, cần ưu tiên mở rộng tín dụng tiêu dùng tại những khu vực này.

Bên cạnh đó, ông đề xuất bổ sung các gói tài chính tiêu dùng có định hướng cho nhóm yếu thế như công nhân, người lao động tự do thông qua mô hình bảo hiểm rủi ro, bảo lãnh cộng đồng. Việc tích hợp tín dụng tiêu dùng vào hệ sinh thái tiêu dùng số (ví điện tử, định danh số, thanh toán không tiền mặt) sẽ giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng, thuận tiện hơn.

Về giải pháp vĩ mô đối với cấp chính sách và Nhà nước, ông Thắng đề xuất ưu tiên room tín dụng cho vay tiêu dùng trong chính sách điều hành; bù lãi suất cho các khoản vay tiêu dùng thiết yếu qua ngân sách Nhà nước; mở rộng cơ sở dữ liệu tín dụng & hỗ trợ xếp hạng tín dụng cá nhân giúp các NH phê duyệt cho vay tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp nhanh; tích hợp tín dụng tiêu dùng vào các chương trình kích cầu quốc gia; kết hợp chính sách thuế - trợ giá với tín dụng tiêu dùng hàng Việt

“Tiêu dùng là trụ cột nội tại của tăng trưởng. Tín dụng tiêu dùng, nếu được thiết kế khéo léo và vận hành hiệu quả, không chỉ góp phần lan tỏa sản xuất - dịch vụ mà còn tạo ra một chu trình tăng trưởng kinh tế bền vững hơn,” ông Thắng khẳng định.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cung-co-be-do-tieu-dung-noi-dia-nham-hien-thuc-hoa-muc-tieu-tang-truong-gdp-8-204250425110727429.htm