WB và IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2025
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2025, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy yếu và bất ổn kinh tế kéo dài.

Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực năm 2025 công bố ngày 24/4, WB dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm còn 4,0% trong năm 2025, so với mức 5,0% trong năm 2024. WB cho biết niềm tin của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi bất định toàn cầu, khiến đầu tư và tiêu dùng suy giảm. Các biện pháp hạn chế thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm lại tiếp tục gây áp lực đối với xuất khẩu của khu vực. Dù vậy, WB cho biết tỷ lệ nghèo đói trong khu vực được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm.
Báo cáo của WB đề xuất 3 hướng chính sách để tăng cường khả năng phục hồi gồm: tận dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và tạo việc làm (như tại Malaysia và Thái Lan); cải cách nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ (điển hình là Việt Nam); và mở rộng hợp tác quốc tế để củng cố nội lực kinh tế.
Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela V. Ferro, đánh giá các quốc gia trong khu vực có cơ hội cải thiện triển vọng kinh tế bằng cách thúc đẩy đầu tư vào công nghệ mới, thực hiện cải cách mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ còn 3,9% trong năm nay - giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó và thấp hơn mức 4,6% của năm ngoái. Đây cũng là mức hạ dự báo mạnh nhất kể từ sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, IMF cũng dự kiến tăng trưởng khu vực đạt 4% vào năm 2026, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo trước. IMF nhận định châu Á hiện chiếm gần 60% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 và được coi là đầu tàu thương mại quốc tế. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào tự do hóa thương mại và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nhu cầu toàn cầu yếu đi, thương mại suy giảm, điều kiện tài chính thắt chặt và mức độ bất định gia tăng. IMF cảnh báo khu vực đang đối mặt với nhiều "cản trở mang tính cấu trúc", trong đó có sự dễ tổn thương của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tình trạng dân số già hóa tại một số nền kinh tế và xu hướng suy giảm năng suất.
IMF nhận định đà suy yếu hiện nay mang tính "rộng khắp", khi tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển trong khu vực được điều chỉnh giảm xuống còn 1,2% - thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước. Trong khi đó, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo đạt 4,5%, giảm 0,5 điểm phần trăm.
IMF cho rằng để ứng phó với các thách thức này, các quốc gia cần hướng tới mô hình tăng trưởng cân bằng hơn, trong đó chú trọng tăng tiêu dùng nội địa một cách bền vững, đa dạng hóa xuất khẩu và đẩy mạnh liên kết khu vực. IMF đánh giá các sáng kiến như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong thương mại hàng hóa mà cả về dịch vụ, kinh tế số và hài hòa các quy định - giúp củng cố khả năng chống chịu trước các cú sốc toàn cầu.