Đằng sau 'trend' mì tôm thanh long
Cơn sốt mì tôm thanh long nhìn rộng ra cho thấy đối với người nông dân, HTX muốn hóa giải khó khăn trong tìm đầu ra cho nông sản thì cần chú trọng đến nghiên cứu để đa dạng các sản phẩm cũng như xây dựng quy trình trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm một cách phù hợp.
Theo số liệu của YouNet Media, trong vòng chưa đầy 72 giờ đã có gần 1 triệu tương tác và 81,93 nghìn thảo luận về đề tài mì tôm thanh long trên mạng xã hội. Còn theo Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Caty Food, doanh nghiệp này cũng đang chạy hết công suất mà chưa đáp ứng hết các đơn hàng.
Sáng tạo mở cơ hội
Có thể thấy từ đầu năm đến nay, ngành F&B đã tạo ra rất nhiều trend độc đáo như trà mãng cầu, cà phê muối, bánh đồng xu, bánh canh phồng tôm, trà chanh giã tay và hiện nay là mì tôm thanh long... Và những món ăn này khi ra thị trường đều có sự đón nhận của một lượng lớn người tiêu dùng, người sử dụng mạng xã hội, từ đó tạo nền tảng cho những nông sản làm nguyên liệu chế biến ra những món ăn này rộng đầu ra hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát (Cà Mau), cho biết phồng tôm trước đây thường được tiêu thụ nhiều ở khu vực miền Nam. Nhưng sau khi món bánh canh phồng tôm gây sốt thì đầu ra cho sản phẩm được mở rộng hơn ở các tỉnh miền Bắc. Trước, HTX chủ yếu bán cho các mối hàng quen với số lượng khoảng 500kg/tháng thì thời gian gần đây đã tăng lên gần một tấn/tháng và dự báo vào vụ Tết còn tăng nhiều hơn.
Có thể thấy, sự sáng tạo khi tạo ra những món ăn mới trên nền nguyên liệu, nông sản quen thuộc đã mang lại cơ hội cho nhiều đơn vị sản xuất. Theo bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch-AFT), đúng là luôn có cơ hội cho những người dám đi đầu và luôn sáng tạo. Và trong kinh doanh sáng tạo, chịu khó đổi mới là điều hết sức cần thiết.
Nhìn từ thực tế cho thấy, đã có những đơn vị trong ngành kinh doanh thực phẩm chỉ xuất hiện ở thị trường nhỏ hẹp như cửa hàng bình dân, các quán lẩu và rất khó lôi kéo khách do không chịu đổi mới.
Chẳng hạn như thương hiệu mì Miliket từng thống trị thị trường vào những năm 70-80 nhưng sau đó một thời gian dài, thương hiệu này vẫn chưa tìm được ánh hào quang dù thời gian gần đây đã có những thay đổi nhất định về bao bì sản phẩm. Trong khi các đối thủ của Miliket lại tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc đổi mới bao bì, hương vị, nâng cấp sản phẩm và cả truyền thông.
Sự đổi mới, nhanh nhạy của các đối thủ của thương hiệu Miliket là hoàn toàn có cơ sở bởi đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ hiện rất ưa thích những điều mới lạ. Họ cũng thường không quan tâm nhiều đến những đánh giá, dù cho đó là những đánh giá trái chiều mà thay vào đó họ thích được trải nghiệm theo kiểu thử cho biết.
Khảo sát của Kearney, doanh nghiệp tư vấn và quản lý đa quốc gia hàng đầu của Mỹ, cho thấy 88% người tiêu dùng luôn có hứng thú và sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm mới. Chính vì vậy những đơn vị kinh doanh mảng nông sản, ẩm thực và đồ uống có thể bám vào điều này để nâng cấp, đổi mới sản phẩm của mình nhằm thu hút người tiêu dùng, mở rộng đầu ra. Nhất là hiện nay, nhu cầu sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ rất rộng lớn, khi tạo được cơn sốt sẽ là cơ hội hiếm có cho HTX, doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận.
Thuận nước thì đẩy thuyền
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm mì tôm thanh long dù có nổi tiếng và tạo cơn sốt rồi cũng đến đoạn thoái trào và nối tiếp bước đi “sớm nở tối tàn” của trà mãng cầu, bánh đồng xu,...
Chia sẻ về vấn đề này, Ts Hồ Đắc Nguyên Ngã, chuyên gia Marketing, cho biết marketing là phạm trù rất rộng, bao gồm cả tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thiết kế, đóng gói, làm sản phẩm và quảng bá sản phẩm chứ không đơn thuần ở việc quảng bá sản phẩm.
Có thể trend mì tôm thanh long nổi lên được nhiều người cho rằng chính là do chiến lược marketing của nhà sản xuất từ trước đó. Nhưng để hút được khách lâu dài thay vì chỉ 'hot' trong một thời gian ngắn thì ngoài quảng bá, nhà sản xuất cần cân nhắc đến giá tiền, bao bì, sự thay đổi nhu cầu-khẩu vị của khách hàng trong từng giai đoạn... Bởi nếu giá cao, bao bì không đổi mới, sản phẩm không theo nhu cầu thị trường thì cũng rất khó cạnh tranh với sản phẩm khác cùng loại về lâu dài.
Còn theo bà Nguyễn Thu Liên, tạo thành trend sau đó hết trend là hết sức bình thường nhưng việc cần nhìn nhận ở đây là sáng tạo, đổi mới sản phẩm, bao bì, nâng chất lượng cũng cần đi theo dòng chảy của HTX, doanh nghiệp thay vì chỉ dừng lại ở việc tạo trend một thời gian. Và HTX, doanh nghiệp nên biết nắm bắt thời cơ, vừa bán sản phẩm đang có nhưng cũng song song đó có thể nghiên cứu thêm sản phẩm mới để tận dụng một lượng khách hàng đang có thay vì đứng yên một chỗ.
Điều quan trọng là HTX cần có câu chuyện sản phẩm hay, chất lượng sản phẩm tốt. Bởi việc mì tôm thanh long đánh bại trend nước chanh giã tay du nhập từ Trung Quốc một phần cũng nằm từ ý nghĩa của câu chuyện liên kết hỗ trợ nông dân trong nước tiêu thụ thanh long trong lúc đầu ra của loại nông sản này gặp khó khăn.
Đi liền với đó là ý tưởng kết hợp thanh long với mì để hạn chế tính nóng của mì tôm đã thể hiện việc quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, từ đó thu hút người tiêu dùng quan tâm, dùng thử chứ không hoàn toàn từ những bài quảng cáo với câu từ mỹ miều.
Vậy nhưng, để có những sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng là điều không hề dễ, nhất là đối các mô hình kinh doanh còn nhỏ bé như các HTX. Bởi để cho ra mắt những sản phẩm, món ăn mới đáp ứng nhu cầu ưa trải nghiệm của giới trẻ, HTX cần có đội ngũ R&D.
Nhưng theo các chuyên gia, thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là trở ngại đối với không ít HTX. Ngay các HTX do các bạn trẻ dẫn dắt hiện nay cũng phải làm việc kiêm nhiệm. Có giám đốc HTX vừa chăm vườn, vừa ở xưởng sản xuất, vừa bán hàng... nên không có thời gian nghiên cứu sản phẩm, thị trường. Chính vì vậy, lấp đầy khoảng trống về nhân lực là điều cần được tính toán để giải quyết bài toán đổi mới sản phẩm về lâu dài cho các HTX.