Đằng sau việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trở lại ở châu Phi

Hậu COVID-19, Trung Quốc quay trở lại châu Phi với những mục tiêu mới. Nhưng dữ liệu cho thấy một mối quan hệ phức tạp hơn, vốn phần lớn vẫn mang tính khai thác.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (thứ 6, trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 7, trái) cùng các đại biểu chụp ảnh chung tại Đối thoại các nhà lãnh đạo châu Phi-Trung Quốc ở thành phố Johannesburg, Nam Phi ngày 24/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (thứ 6, trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 7, trái) cùng các đại biểu chụp ảnh chung tại Đối thoại các nhà lãnh đạo châu Phi-Trung Quốc ở thành phố Johannesburg, Nam Phi ngày 24/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Chương trình hợp tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đang phục hồi trở lại sau thời gian tạm lắng do đại dịch toàn cầu COVID-19, với châu Phi là trọng tâm chính, theo phân tích của Reuters về dữ liệu cho vay, đầu tư và thương mại.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trích dẫn hàng tỷ USD cam kết cho những dự án xây dựng mới và ghi nhận thương mại hai chiều làm bằng chứng trong việc hỗ trợ hiện đại hóa “lục địa đen” cũng như thúc đẩy hợp tác “đôi bên cùng có lợi”.

Nhưng dữ liệu cho thấy một mối quan hệ phức tạp hơn, vốn phần lớn vẫn mang tính khai thác và cho đến nay đã không thể đáp ứng được một số cam kết của Bắc Kinh về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với thế giới.

Theo Viện Griffith châu Á tại Đại học Griffith của Australia, trong khi đầu tư mới của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng 114% trong năm ngoái, họ tập trung chủ yếu vào các khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và các kế hoạch của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của chính mình.

Những khoáng sản và đặc biệt là nguồn dầu mỏ này cũng thống trị quan hệ thương mại giữa hai bên, dù Trung Quốc đã có những nỗ lực nhằm tăng cường nhập khẩu các mặt hàng khác từ châu Phi, như các sản phẩm nông nghiệp và hàng công nghiệp.

Các khoản cho vay có chủ quyền của Trung Quốc, từng là nguồn tài chính chính cho cơ sở hạ tầng của châu Phi, đang ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Và quan hệ đối tác công-tư (PPP), mà Trung Quốc coi là phương tiện đầu tư ưa thích mới trên toàn cầu, vẫn chưa thu hút được sự chú ý ở châu Phi.

Kết quả là dẫn đến mối quan hệ một chiều hơn những gì Trung Quốc mong muốn, một mối quan hệ bị chi phối bởi việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ châu Phi và một số nhà phân tích cho rằng có dấu vết của mối quan hệ kinh tế của châu Âu thời thuộc địa với lục địa này. Eric Olander, đồng sáng lập trang web và podcast của Dự án Trung Quốc – Nam Toàn cầu (China-Global South Project), cho biết: “Đây là điều mà nước Anh vào cuối thế kỷ 19 từng làm như vậy”.

Trung Quốc đã bác bỏ những nhận định trên. “Châu Phi có quyền, năng lực và trí tuệ để phát triển quan hệ đối ngoại và lựa chọn đối tác. Sự hỗ trợ thiết thực của Trung Quốc đối với con đường hiện đại hóa của châu Phi phù hợp với đặc điểm riêng của nước này đã được ngày càng nhiều nước châu Phi hoan nghênh”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết khi trả lời câu hỏi của Reuters.

Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở châu Phi, trọng tâm của BRI, đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ trước đại dịch COVID-19. Các công ty Trung Quốc đã xây dựng cảng, nhà máy thủy điện và đường sắt trên khắp lục địa, được tài trợ chủ yếu thông qua các khoản vay chính phủ. Cam kết cho vay hàng năm đạt đỉnh 28,4 tỷ USD vào năm 2016, theo Sáng kiến Trung Quốc toàn cầu tại Đại học Boston.

Nhưng nhiều dự án dường như không có lãi. Khi một số chính phủ ở châu Phi gặp khó khăn trong việc trả nợ, Trung Quốc đã cắt giảm cho vay. Đại dịch COVID-19 sau đó đã khiến nhiều dự án xây dựng của Trung Quốc ở châu Phi bị đình trệ. Hiện các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc nắm giữ cổ phần và vận hành cơ sở hạ tầng mà họ xây dựng cho chính phủ nước ngoài. Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết mục đích là giúp các công ty giành được những hợp đồng có giá trị cao hơn và bằng cách mang lại cho họ cơ hội tham gia cuộc chơi, đảm bảo các dự án có hiệu quả kinh tế.

Viện Griffith châu Á ước tính tổng mức đầu tư theo cam kết của Trung Quốc vào châu Phi - kết hợp giữa các hợp đồng xây dựng và cam kết đầu tư - ở mức 21,7 tỷ USD vào năm ngoái, khiến nước này trở thành quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất trong khu vực.

Dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington D.C, cho thấy các khoản đầu tư thực tế đạt gần 11 tỷ USD vào năm 2023. Nhưng khoảng 7,8 tỷ USD trong số đó dành cho khai thác mỏ, như mỏ đồng Khoemacau của Botswana được MMG Ltd của Trung Quốc mua với giá 1,9 tỷ USD, cùng các mỏ coban và lithium ở các quốc gia như Namibia, Zambia và Zimbabwe.

Việc tìm kiếm các khoáng sản quan trọng cũng đang thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ, vào tháng 1 năm nay, các công ty Trung Quốc đã cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng lên tới 7 tỷ USD để sửa đổi thỏa thuận liên doanh về đồng và coban với CH Congo.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 282 tỷ USD vào năm ngoái. Nhưng đồng thời, giá trị xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc giảm 7%, chủ yếu do giá dầu giảm và thâm hụt thương mại tăng 46%.

Các quan chức Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại của một số nhà lãnh đạo châu Phi về thâm hụt cán cân thương mại. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ đưa ra các sáng kiến hỗ trợ hiện đại hóa sản xuất và nông nghiệp của lục địa này - những lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách châu Phi coi là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách thương mại, đa dạng hóa nền kinh tế và tạo việc làm.

Trung Quốc cũng cam kết tăng nhập khẩu nông sản từ châu Phi. Nhưng hiện tại, những nỗ lực như vậy đang trở nên thiếu hiệu quả. Là một trong những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất châu Phi đối với Trung Quốc, Kenya đang nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, gần đây đã giành được thị trường này nhờ bơ và hải sản. Tuy nhiên, các quy định phức tạp về sức khỏe và vệ sinh khiến nhiều nhà sản xuất không thể tiếp cận được người tiêu dùng Trung Quốc.

Ernest Muthomi, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Bơ Kenya cho biết: “Thị trường Trung Quốc là một thị trường mới. Nhưng có một thách thức vì phải lắp đặt thiết bị để khử trùng”. Trong số 20 tỷ shilling (150,94 triệu USD) bơ xuất khẩu của Kenya năm ngoái, chỉ 10% đến Trung Quốc.

Nhìn chung, xuất khẩu của Kenya sang Trung Quốc đã giảm hơn 15% xuống còn 228 triệu USD, dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, do sản lượng titan sụt giảm dẫn đến xuất khẩu kim loại này - mặt hàng xuất khẩu chủ chốt sang Trung Quốc - giảm. Nhưng hàng hóa sản xuất của Trung Quốc vẫn tiếp tục tràn vào châu Phi.

Francis Mangeni, cố vấn tại Ban Thư ký Khu vực Thương mại Tự do liên châu Phi, cho biết, trừ khi các quốc gia châu Phi có thể gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu của họ thông qua việc tăng cường chế biến và sản xuất, nếu không lục địa này “chỉ xuất khẩu khoáng sản thô để cung cấp động lực cho nền kinh tế Trung Quốc”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-viec-trung-quoc-gia-tang-anh-huong-tro-lai-o-chau-phi-20240603183500247.htm