Đằng sau việc Trung Quốc tự tin trừng phạt nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ
Trong những năm trước khi Trung Quốc tuyên bố các sản phẩm Micron Technology đe dọa an ninh quốc gia, các nhà chức trách đã giảm việc mua chip của công ty Mỹ này và chọn các sản phẩm nội địa hoặc Hàn Quốc, theo hãng tin Reuters.
Trước đây, chính quyền Trung Quốc thường xuyên đưa ra các yêu cầu mua chip của Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) để sử dụng trong các dự án từ hệ thống thuế đến mạng lưới giám sát. Thế nhưng, động thái này đã giảm đáng kể từ năm 2020.
Thay vào đó, phần lớn các giao dịch mua chip nhớ từ chính quyền Trung Quốc đã được chuyển đến các công ty trong nước như hãng viễn thông Huawei, nhà sản xuất máy chủ Inspur cũng như các ông lớn trong lĩnh vực giám sát như Uniview và Hikvision. Đó là kết quả đánh giá của Reuters về hơn 100 cuộc đấu thầu công khai của chính phủ Trung Quốc.
Dù hành động đột ngột của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các ngành công nghiệp quan trọng sử dụng chip Micron Technology dường như là kết quả từ việc căng thẳng giữa hai nước, các tài liệu đấu thầu cho thấy Bắc Kinh đã đặt nền móng trong nhiều năm nhằm hạn chế sự gián đoạn do lệnh cấm đó gây ra.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc dễ dàng ra quyết định trừng phạt Micron Technology hơn nếu muốn đáp trả việc Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ do các công ty trong nước có những tiến bộ về sản xuất chip nhớ.
Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu một viện nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, nhận định: “Hầu hết các chip của Micron Technology đều có thể thay thế bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Với những chip không thay thế được thì còn những công ty nước ngoài khác có chip mà Trung Quốc có thể mua. Vì vậy, việc cấm các sản phẩm của Micron Technology không làm tổn hại đến Trung Quốc".
Cục Quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC), nơi tiến hành đánh giá các sản phẩm Micron Technology, không nêu rõ những rủi ro bảo mật mà họ tìm thấy.
Phản hồi câu hỏi của Reuters, Micron Technology tuyên bố công ty đang đánh giá các bước tiếp theo để đối phó với lệnh cấm, nhưng không bình luận về câu hỏi liên quan đến các vụ đấu thầu.
Quốc Vụ viện Trung Quốc không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề trên.
Hiện chưa rõ lý do tại sao các cơ quan chính phủ Trung Quốc giảm nhu cầu về sản phẩm Micron Technology kể từ năm 2020, thời điểm nước này chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Chỉ có 4 hồ sơ dự thầu đề cập đến các sản phẩm Micron Technology trong 3 năm qua. Trong đó có cuộc đấu thầu của Văn phòng khí tượng thành phố Thường Châu (tỉnh Giang Tô) để mua 24 thiết bị lưu trữ và một bệnh viện ở thành phố Châu Bình (tỉnh Sơn Đông) để mua cảm biến hình ảnh.
Ngược lại, trước năm 2020, các sản phẩm Micron Technology đã được nhiều cơ quan chính quyền địa phương tìm kiếm cho các dự án, gồm cả công việc nhạy cảm như nâng cấp camera giám sát và mạng nhận dạng khuôn mặt ở các thành phố lớn.
Chẳng hạn, chip Micron Technology là một trong những sản phẩm được mua nhiều trong hai cuộc đấu thầu lớn vào năm 2019 trị giá 187 triệu nhân dân tệ (27,05 triệu USD) và 29 triệu nhân dân tệ từ các cơ quan cảnh sát ở thành phố Đông Hoản.
Một cuộc đấu thầu vào tháng 8.2015 cũng cho thấy Cục Quản lý Thuế Quốc gia Trung Quốc đã chi hơn 5,6 triệu nhân dân tệ để mua gần 8.000 chip Micron Technology cho các máy chủ trong hệ thống hóa đơn của mình.
Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã có một chiến dịch kéo dài nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, yêu cầu các công ty trực thuộc nhà nước, chẳng hạn ngân hàng, chuyển sang dùng phần mềm địa phương và thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch vào năm 2020 khi các nhà lãnh đạo đề xuất mô hình tăng trưởng "lưu thông kép" để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và thị trường nước ngoài.
Một số hồ sơ dự thầu trong năm qua có yêu cầu về sản phẩm "sản xuất trong nước". Ví dụ, cuộc đấu thầu vào tháng 1 cho dự án "an ninh công cộng thông minh" trị giá gần 200.000 nhân dân tệ ở thành phố Đài Sơn yêu cầu rõ ràng rằng các chip nhớ flash phải được sản xuất trong nước. Dự án này bao gồm hàng trăm linh kiện phần cứng và phần mềm khác nhau, với Hikvision có 41 linh kiện trong số này, Huawei chiếm 16 linh kiện và yêu cầu "được sản xuất trong nước" được gắn kèm với 288 sản phẩm khác.
Cơ sở dữ liệu mua sắm công của chính phủ Trung Quốc thường được giữ lại hoặc không công bố các thông tin nhạy cảm để bảo mật tin tức.
Chip Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc) tiếp tục được đưa vào các hợp đồng lớn của chính phủ Trung Quốc, nhưng thường là để bổ sung cho các sản phẩm trong nước. Samsung Electronics và SK Hynix là hai hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, các công ty Mỹ khác vẫn là những nhà cung cấp quan trọng cho Trung Quốc, với CPU Intel, GPU Nvidia và máy chủ Dell được mua bởi hàng trăm cơ quan chính phủ kể từ năm 2020.
Tuy nhiên với Micron Technology, việc chính phủ Trung Quốc giảm mạnh đấu thầu mua chip của họ làm tăng thêm rắc rối cho công ty Mỹ ở quốc gia châu Á.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhà sản xuất chip United Microelectronics Corp (Đài Loan) và Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc), cáo buộc hai công ty này âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology. Fujian Jinhua Integrated Circuit phủ nhận các cáo buộc. Trong khi United Microelectronics Corp đã nhận tội và nộp phạt 60 triệu USD.
Tranh chấp đã dẫn đến lệnh cấm bán tạm thời các sản phẩm chính của Micron Technology tại Trung Quốc vào năm 2018. Năm ngoái, Micron Technology đã đóng cửa hoạt động sản xuất DRAM tại thành phố Thượng Hải trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ.
Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của Micron Technology, tạo ra một nửa trong doanh thu 20 tỉ USD vào năm tài chính 2017. Tỷ lệ đó đã giảm xuống chỉ còn 16% vào năm 2022.
Nhà phân tích Montufar-Helu cho biết: "Micron đã ở trong ‘mắt bão’ được một thời gian rồi, với các hoạt động của công ty ở Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng những năm qua".
Hôm 22.5, Micron Technology dự báo tỷ lệ giảm doanh thu do biện pháp của Trung Quốc chỉ trong khoảng một con số duy nhất.
Trước đó, các nhà phân tích của hãng Jefferies (Mỹ) dự báo lệnh cấm trên sẽ có tác động hạn chế với Micron Technology vì khách hàng chính của họ ở Trung Quốc là các công ty điện tử tiêu dùng như sản xuất smartphone và máy tính, chứ không phải nhà cung cấp cơ sở hạ tầng.
"Vì các sản phẩm DRAM và NAND của Micron Technology ít xuất hiện trong các máy chủ, chúng tôi tin rằng phần lớn doanh thu của họ ở Trung Quốc không được tạo ra từ các hãng viễn thông và chính phủ. Do đó, tác động cuối cùng với Micron Technology sẽ khá hạn chế", các nhà phân tích của hãng Jefferies nhận xét.
Thế nhưng, các chuyên gia cảnh báo động thái từ Trung Quốc có thể khiến một số công ty loại bỏ sản phẩm của Micron Technology khỏi chuỗi cung ứng do rủi ro chính trị.