Đang triển khai 15 dự án trọng điểm, liên kết vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã hoàn thành 3 dự án, đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm. 15 dự án còn lại đang được các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh minh họa

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra ngày 24/5/2024, tại tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác quy hoạch, thể chế điều phối vùng, triển khai các dự án quan trọng của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được thực hiện tích cực.

Cụ thể, toàn vùng đã hoàn thành 3 dự án gồm: Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ.

Đồng thời, đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm của vùng như Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)…

15 dự án còn lại đang được các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Tiến độ các dự án quan trọng, liên kết vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Theo trưởng ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư các dự án cao tốc, quy mô lớn của vùng góp phần thay đổi bộ mặt kết cấu hạ tầng của vùng, cụ thể một số dự án đã hoàn thành và đang tích cực triển khai.

Thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 24/12/2023. năng lực tăng thêm khoảng 40km đường cao tốc với quy mô 4 làn từ đó kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Thứ hai, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 có chiều dài 104 km, quy mô đầu tư 2 làn hạn chế, giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 9.000 tỷ đồng đã được khởi công từ tháng 5/2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

"Hiện nay, 2 địa phương đang rà soát, đề xuất phương án mở rộng lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, đồng thời kéo dài từ Bắc Quang đến TP Hà Giang," Bộ trưởng thông tin.

Thứ ba, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức BOT với tổng chiều dài tuyến 121 km; giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93km. Dự án đã khởi công ngày 01/01/2024 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025.

Với dự án này, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số vướng mắc như: chỉ tiêu sử dụng đất tại tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 cần tăng thêm 188 ha đất giao thông; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần nhiều thời gian. Hay khó khăn về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư nên dự án đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư để nâng mức vốn tham gia của NSNN thêm 3.220 tỷ đồng.

Đề cập đến một số dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc, Bộ trưởng thông tin, dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) gồm 4 đoạn đang triển khai hiện nay chưa khởi công và chậm so với tiến độ phê duyệt.

Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư là 4.208 tỷ đồng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Tuy nhiên, hiện chưa lựa chọn được nhà đầu tư, tỉnh Lào Cai đang điều chỉnh chủ trương đầu tư để tăng vốn NSNN tham gia vào dự án.

Ngoài ra, các Bộ, ngành đang nghiên cứu phương án đầu tư một số dự án:Tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài- Lào Cai; Tuyến Đoan Hùng - Chợ Bến; Giai đoạn 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt điện khí hóa Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…

Đồng thời các địa phương đang rà soát, xây dựng phương án nâng quy mô các tuyến cao tốc lên 4 làn hoàn chỉnh, bổ sung các tuyến kết nối, nút giao để phát huy hiệu quả các cao tốc trên địa bàn.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra ngày 24/5/2024, tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: MPI

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra ngày 24/5/2024, tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: MPI

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù

Trước thực tế trên, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các địa phương khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công.

"Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, lồng ghép đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định," Bộ trưởng nêu đề xuất.

Phá bỏ tư duy cục bộ trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng

Lồng ghép trong bản Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, để triển khai có hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương quan tâm tập trung triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, Bộ trưởng yêu cầu phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện chương trình dự án có vai trò vùng.

Thứ ba, theo Bộ trưởng, phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, hữu cơ; kinh tế cửa khẩu, du lịch, kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ tư, tập trung nguồn lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch. Trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.

Cuối cùng, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu thương mại tự do xuyên biên giới. Tăng cường liên kết hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, các hành lang và vành đai kinh tế và các khu vực động lực phát triển.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dang-trien-khai-15-du-an-trong-diem-lien-ket-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-post34963.html