Dáng vóc đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại, điểm đến hấp dẫn du khách
Sức hấp dẫn, thu hút khách của Sầm Sơn không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn. Việc phát huy tiềm năng, lợi thế phụ thuộc vào năng lực quản lý, quy hoạch, mức độ đầu tư, thu hút đầu tư, sức sáng tạo, dám nghĩ - dám làm - dám đột phá của vùng đất ấy. TP Sầm Sơn đã và đang đổi thay từng ngày, nêu cao tinh thần nỗ lực, quyết tâm tạo dựng dáng vóc đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách trong nước và quốc tế.
Quảng trường biển được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa, mở ra không gian phát triển mới cho du lịch của TP Sầm Sơn. Ảnh: Thảo Linh
Mùa hè tháng 7-1960, đất và người Sầm Sơn vinh dự, tự hào được đón Bác Hồ về thăm. Bác Hồ đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển của Tổ quốc. Người gần gũi, giản dị đi kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn). Phải chăng, trước cảnh sắc thiên nhiên, nhịp sống yên ả, thanh bình cùng những người dân thân thiện, mến khách, Bác Hồ đã có những phút giây đặt mình trong tâm thế háo hức, vui vẻ của một vị khách tận hưởng nét đẹp ở vùng đất này. Bằng trí tuệ, tầm nhìn sâu rộng, sắc sảo của mình, Bác Hồ đã “tiên lượng”, bước đầu hoạch định đường hướng phát triển cho Sầm Sơn: Nếu có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây.
Trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng, cần được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Du lịch là hoạt động thực hiện chuyến đi của con người đến một vùng đất khác nơi cư trú thường xuyên để tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí... Vậy điều gì đủ sức hấp dẫn, mời gọi bước chân du khách ở khắp mọi nơi di chuyển đến một nơi “khác với nơi cư trú thường xuyên” vui vẻ, hào sảng “rút ví” chịu chi? Đáp án nằm ở câu trả lời cho câu hỏi: Vùng đất ấy có gì hay, điều gì mới mẻ, khác biệt? Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ ra sao? Văn hóa, văn minh, tình hình an ninh trật tự nơi ấy như thế nào? Dẫn dắt như vậy để nhận thấy rõ một điều rằng: Để du lịch phát triển bền vững, vươn tầm lớn lao cần hội tụ rất nhiều yếu tố, nội và ngoại lực cùng hòa quyện, thăng hoa. Để có được một đô thị Sầm Sơn như ngày hôm nay là biết bao tâm huyết, nỗ lực, trăn trở, quyết sách, nguồn lực qua các thời kỳ.
Hơn một thế kỷ, du lịch Sầm Sơn nỗ lực không ngừng nghỉ vượt qua những thăng trầm, thử thách để từng bước chạm tay vào giấc mơ “du lịch bốn mùa”. TP Sầm Sơn luôn bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, TP Sầm Sơn thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý du lịch được tăng cường; hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, thu hút đầu tư hiệu quả, tạo tiền đề để phát triển theo hướng văn minh, thân thiện, hiện đại.
“Thời gian tới, TP Sầm Sơn sẽ phấn đấu thực hiện tốt 3 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn như Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra” – ông Lê Trung Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sầm Sơn cho biết. TP Sầm Sơn phát triển 4 hành lang và 8 phân khu đô thị để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với TP Thanh Hóa tạo thành 1 trong 4 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, TP Sầm Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thu hút đầu tư, nhất là sự xuất hiện của các “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cùng “làn sóng” đầu tư nghìn tỷ thông qua các dự án, công trình tầm cỡ tạo nên nguồn động lực to lớn cho những bước chuyển mình mạnh mẽ trên khắp dải bờ biển xứ Thanh nói chung. Việc đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn văn minh, thân thiện, đẹp trong lòng bạn bè và du khách được xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài của TP Sầm Sơn.
Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản phục vụ du lịch; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và văn minh đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; quốc phòng - an ninh được giữ vững; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2045, Sầm Sơn là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.
Về với vùng đất biển Sầm Sơn hôm nay, du khách sẽ không khỏi say đắm trước một vùng non nước hữu tình, thấm đẫm chiều sâu lịch sử - văn hóa và sự thay da đổi thịt từng ngày của thành phố biển xinh đẹp này. Phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân đã và đang nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, từ đó từng bước khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của du lịch biển xứ Thanh trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.