Dành cuộc đời mình để trả ơn mái ấm
Không ai có thể chọn nơi mình sinh ra nhưng ở Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh, những đứa trẻ lại được chọn yêu thương như một lẽ sống. Tình yêu thương, chăm sóc, giáo dưỡng của người mẹ, người cha nuôi nơi đây đã chắp vá những mảnh đời dở dang, bù đắp tổn thương...
Tình người sau cánh cổng Làng trẻ mồ côi SOS (Kỳ 1): Trái tim những người mẹ

Được đưa về làng trẻ chăm sóc, nuôi dưỡng, bốn anh em Hùng mới có tuổi thơ và được đến trường học tập
Trần Thi Hùng (15 tuổi), Trần Anh Phương Uyên (10 tuổi), Trần Anh Linh (9 tuổi) và Trần Hoàng Oanh (5 tuổi) là bốn anh chị em ruột đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh (Làng).
Từ khi sinh ra, các em không biết cha mình là ai, chỉ biết quê gốc ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Mẹ vướng vào lao lý, bốn anh em lang thang, sống lay lắt dưới gầm cầu chợ Đông Hà (Quảng Trị). Là anh cả, hàng ngày, Hùng dẫn theo các em vạ vật khắp ngõ đường ăn xin, nhặt ve chai kiếm sống. Những bữa cơm đầy đủ thức ăn là điều xa xỉ đối với các anh em kể từ ngày vắng mẹ.
Điểm tựa
Ngày đi lang thang, tối đến, bốn anh em lại chui xuống ngủ dưới gầm cầu chợ Đông Hà. Gầm cầu trở thành nhà, nơi trú mưa, che nắng của các anh em Hùng ròng rã như thế cho đến ngày được đón về Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh.
Năm 2023, bốn anh em Hùng được chính quyền phát hiện, đưa về Làng trẻ mồ côi nuôi dưỡng. 13 tuổi, Hùng mới được đi học lớp 1. Những ngày đầu về Làng, bốn anh em Hùng xanh le, xanh lét vì suy dinh dưỡng. Được các mẹ chăm sóc, chỉ trong thời gian ngắn, cả bốn anh em khỏe mạnh lên từng ngày.
Ngước đôi mắt đã bị hỏng một bên sau vụ tai nạn trong lần cưa bom bán ve chai khi còn lang thang sống dưới gầm cầu chợ Đông Hà, Hùng nói: “Con rất vui khi được về đây sống cùng các em. Các mẹ chăm sóc, yêu thương bốn anh em con. Con và các em còn được đi học nhưng chúng con vẫn rất nhớ mẹ…”.
Câu trả lời của Hùng khiến chúng tôi lặng đi. Ở mái ấm này, các em được dành trọn tình yêu thương nhưng khoảng trống về người mẹ sinh thành có lẽ vẫn luôn khuyết trong trái tim những đứa trẻ mồ côi…
Bốn anh em Hùng không phải là trường hợp hiếm ở Làng này. Ở đây, có rất nhiều trường hợp là anh, chị, em ruột cùng được nhận vào nuôi dưỡng. Khi tuổi đời còn quá nhỏ, các em đã phải chịu đựng cú sốc bỗng chốc mất mẹ, mất cha. Bữa cơm nóng hổi, bộ quần áo thơm tho ấm áp, viên thuốc trong đêm cảm sốt… của người mẹ nuôi đã sưởi ấm, xua tan đi nỗi mất mát, u uất trong lòng những đứa trẻ ấy.
Trả nghĩa ân tình
Những đứa trẻ không cùng cha, cùng mẹ, anh em, họ hàng thân thích nhưng đều được khai sinh mang cùng họ tại Làng trẻ SOS là câu chuyện vô cùng xúc động về tình người nơi đây. Làng trong lòng những đứa trẻ là gia đình. Các em được học tập trong điều kiện tốt nhất, nhiều em đỗ vào các trường đại học danh tiếng, khi trưởng thành đã quay trở về Làng, tình nguyện làm công việc chăm sóc thế hệ trẻ mồ côi khác để đền đáp công ơn.
Chị Trần Thị Thanh Toàn (SN 1981), hiện đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng chăm sóc nuôi dưỡng Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh là một người con như thế. Chị là một cán bộ trẻ, nhiệt huyết được đánh giá có chuyên môn tốt. Chị cũng từng là trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại đây. Lên 9 tuổi, chị Toàn bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai chị em tự lập, sống cùng nhau trong căn tập thể cũ tại Trường Tiểu học Đồng Lộc (huyện Can Lộc cũ).
Năm 1994, chị Toàn được Làng trẻ mồ côi đón về nuôi dưỡng. Đã 31 năm trôi qua, đến tận bây giờ, chị vẫn nhớ như in ngày đầu tiên về với mái ấm này. Đó là vào một ngày hè oi ả, khi vừa bước chân vào cổng Làng, chị Toàn òa khóc. Nhìn những khuôn mặt xa lạ khiến nỗi nhớ mẹ trong chị càng nghẹn ngào. Song, ngày qua ngày, nhận được tình cảm yêu thương, chăm sóc, gần gũi của các mẹ nuôi, sống với những anh, chị, em cùng hoàn cảnh, mọi nỗi buồn, lo sợ trong chị dần tan biến.
Ở đây, chị được đi học và thi đỗ vào trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh. Sau khi ra trường, năm 2004, chị làm đơn tình nguyện xin quay trở về Làng làm việc. Chị nói rằng, quyết định xin về Làng của chị là để trả ơn ân tình những người bố, người mẹ ở đây, đã chăm sóc, nuôi dưỡng chị nên người. Từng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng, nay lại là cán bộ trực tiếp quản lý, chăm sóc các em mồ côi, chị Toàn càng thấu hiểu nỗi vất vả, tình yêu thương của người bố, người mẹ nuôi đã dành cho mình.
“Bản thân tôi là một người có nỗi đau mất mát quá lớn từ khi còn nhỏ. Sống và lớn lên trong Làng, tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm của các bố mẹ. Năm lớp 10, tôi gặp một biến cố lớn về sức khỏe, nếu không có bố Đạo (nguyên Giám đốc Làng trẻ SOS hiện đã nghỉ hưu) và những người mẹ đã nuôi dưỡng tôi như mẹ Hưng, mẹ Liên, mẹ Tuyết, chắc có lẽ tôi đã không còn sống đến hôm nay để ngồi đây chia sẻ câu chuyện này. Tôi mang ân tình đó sâu nặng nên muốn dùng chính cuộc đời mình để trả ơn mái ấm này, tiếp tục cống hiến, chăm sóc thế hệ các em mồ côi có số phận thiệt thòi”, chị Toàn xúc động.
Cùng chung niềm thiết tha trở về với Làng còn có chị Nguyễn Thị Cẩm Ly (SN 1990), chị Trần Thị Khánh Ly (SN 1988), chị Bùi Thị Thơm (SN 1991) hiện đều là cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại đây. Mỗi người đều có một câu chuyện số phận đầy xúc động và đều có điểm chung là, dù có nhiều cơ hội phát triển bản thân ở những môi trường khác thì họ vẫn chọn trở về.
Làng là nhà, là tuổi thơ, là nơi họ chọn để tiếp tục làm điểm tựa cho những em nhỏ mồ côi. Tình yêu thương sâu sắc của những người không cùng máu mủ, được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, như mạch nguồn của tình người giữa đời thường.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/danh-cuoc-doi-minh-de-tra-on-mai-am-150579.html