Đánh dấu mốc 50 ca ghép tủy tự thân, liên tiếp thành công 3 ca ghép tủy Thalassemia
Ngày 21/7, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ xuất viện cho 4 bệnh nhi đặc biệt, trong đó có 1 trường hợp hoàn tất ca ghép tủy tự thân thứ 50 và 1 trường hợp ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia thành công.
Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong kỹ thuật ghép tế bào gốc tại bệnh viện, mở ra hy vọng sống cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh huyết học hiểm nghèo.
Ca ghép đồng loại thứ 9 là bé N.H.H. (2 tuổi, Bắc Giang), mắc alpha-thalassemia từ sau sinh
Từ khi bắt đầu triển khai kỹ thuật ghép tủy vào tháng 11/2019, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện tổng cộng 60 ca ghép thành công cho trẻ em, trong đó có 50 ca ghép tự thân và 10 ca ghép đồng loại. Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, bệnh viện đã thực hiện liên tiếp 10 ca ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia, gồm hai ca bất đồng nhóm máu – một kỹ thuật phức tạp lần đầu được áp dụng thành công tại Việt Nam.

Một bệnh nhi vừa được ghép tủy tự thân
Ca ghép tự thân thứ 50 là bé T.T.D. (5 tuổi, Lâm Đồng) mắc u nguyên bào thần kinh. 3 bệnh nhi ghép đồng loại gồm bé B.T.D. (9 tuổi, Kon Tum), N.H.H. (2 tuổi, Bắc Giang) và L.N.H. (10 tuổi, Đà Nẵng) đều mắc Thalassemia, hiện đã phục hồi ổn định sau ghép.
Ghép tế bào gốc là kỹ thuật điều trị hiện đại, giúp chấm dứt phụ thuộc vào truyền máu và kéo dài sự sống cho các bệnh nhi. Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở đầu tiên tại miền Trung – Tây Nguyên triển khai thành công kỹ thuật này và đứng thứ 3 toàn quốc về ghép tế bào gốc ở trẻ em.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các bệnh nhi
Thành công liên tiếp trong ghép tủy đã khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện và mở ra triển vọng trong điều trị các bệnh như suy tủy, ung thư tái phát, suy giảm miễn dịch bẩm sinh... hướng đến cứu sống thêm nhiều bệnh nhi trên cả nước.