Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất: Chế ngự lòng tham, giữ sự liêm chính
Nhắc đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến cán bộ nhiều bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, cựu thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng, vụ “chuyến bay giải cứu” phơi bày một phần thực trạng của không ít cán bộ có chức, có quyền hiện nay. Các bị cáo đã làm phức tạp hóa vấn đề, gây nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp buộc phải làm theo cơ chế “xin cho”, dù cơ chế này đã bị xóa bỏ từ lâu.
Diễn biến xét xử sơ thẩm cũng ghi nhận nhiều bị cáo bày tỏ thái độ ăn năn, nói lời chua chát sau khi hành vi phạm tội bị phát giác. Điển hình như cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Trần Văn Dư, trả lời thẩm vấn từng nói về hành vi nhận hối lộ của mình: “Cũng là tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho nhà nước, không sao cả”; hay như trường hợp cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng: “Việc gặp doanh nghiệp do họ chủ động liên hệ, bị cáo thì phần nể nang, phần cũng muốn nghe doanh nghiệp xem có khó khăn vướng mắc gì không”…
Ông Trương Việt Toàn đánh giá đó đều là những “lời nói giả dối”; có bị cáo “rơi nước mắt” cũng chỉ vì thương xót bản thân không may vướng vòng lao lý.
Theo cựu Thẩm phán, các bị cáo thuộc nhóm nhận hối lộ đều từng trải, có cả quá trình rèn luyện trong các cơ quan, đoàn thể. Tại tòa, dù họ nói “ăn năn”, song đây hoàn toàn không phải thái độ của một bị cáo đã “ân hận” vì hành vi phạm tội mình gây ra.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) chung nhận định, quá trình xét xử vụ án cho thấy một số bị cáo còn thông đồng, chia nhau tiền nhận hối lộ. Số tiền nhận rất lớn, vượt xa thu nhập của cán bộ công chức, viên chức…
“Một số luật sư và bị cáo nhận hối lộ khi bào chữa nói rằng, không đòi hỏi, sách nhiễu hay thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền. Sau khi được cấp phép, doanh nghiệp tự cảm ơn, do đó, đây không phải là đưa và nhận hối lộ… Tuy nhiên, đây là những ‘lời bào chữa vô cảm’, bởi vì tại tòa, đại diện một số doanh nghiệp đã khẳng định họ ‘bị ép đến cùng cực’, nên buộc phải đưa.”, luật sư Hoàng Trọng Giáp nêu.
Nói về tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đội ngũ cán bộ, ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, tham nhũng là quy luật tất yếu của quá trình phát triển, bắt nguồn từ lòng tham con người không được kiềm chế. “Ai cũng có lòng tham cả, tôi cũng thích tiền, thích nhà cửa, đất đai, nhưng thích như thế nào, làm sao có lại là vấn đề khác”, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Theo ông Thắng, trước quy luật này, điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải biết kiềm chế lòng tham, biết chế ngự hành vi của mình, biết trọng danh dự. "Tiền bạc có được phải bằng công sức, trí tuệ, chứ không phải bằng cách nhận hối lộ, tham nhũng, tiêu cực”, ông Thắng nói.
Tuy vậy, ông cũng thẳng thắn nói rằng: “Không có tiếng vỗ tay nào nếu chỉ có một bàn tay. Không có vụ tham nhũng nào nếu không có người nhận hối lộ và người đưa hối lộ. Vậy nên vấn đề không chỉ chống tham nhũng mà chống cả đưa hối lộ nữa. Không ai mang tiền đi hối lộ rồi ngồi chơi, uống nước trà, không hưởng lợi gì cả. Tất cả đều có mục đích, người đưa hối lộ cũng tìm kiếm lợi ích từ việc đưa hối lộ”, ông Thắng nói.
Nhận định, đại án nào cũng bắt đầu từ vấn đề nhỏ, như mọi người vấn nói “góp gió thành bão”, ở đây, theo ông có thể người cán bộ đó đã “quen ăn”, “quen được cho ăn”, “quen với việc nhận quà biếu, quà tặng” từ khi ở vị trí nhỏ cho đến khi ở vị trí lớn, dần thành thói quen không cưỡng lại được.
Song cũng có trường hợp suốt một thời gian dài, không hề tham nhũng, nhận hối lộ nhưng bỗng dưng lại có một số tài sản, khoản tiền vô cùng lớn. “Cái này có thể do người ta không cưỡng lại được những cám dỗ vật chất, không vượt qua được sức mạnh của đồng tiền để rồi sa ngã”, ông Thắng nói và nhấn mạnh, “ đã làm công bộc, vì dân, vì nước thì phải một lòng, một dạ vì sự nghiệp chung, phải biết kiềm chế, biết trọng danh dự”.
Tại cuộc tọa đàm "Giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới", do Đại học Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, các đại biểu cũng đề cao vấn đề xây dựng văn hóa "liêm chính" trong bối cảnh hàng loạt vụ án tham nhũng lớn bị phanh phui, nhiều cán bộ bị xử lý.
Theo các đại biểu, muốn giữ được sự liêm chính, những người có chức vụ, quyền hạn phải tự kiểm soát mình, để sự liêm chính trở thành phản xạ, như “cơm ăn nước uống bình thường”.
Thẳng thắn, Tiến sĩ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho rằng những cán bộ tham nhũng bị xử lý vừa qua “không có ai nghèo cả”. Từ đó, ông Minh cho rằng để có văn hóa liêm chính cần phải kiểm soát cả bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là bằng cơ chế, chính sách; bên trong là bằng đạo đức, liêm sỉ.
Nhìn nhận về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng đánh giá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, ngoài hướng đến cơ chế để “không muốn tham nhũng”, “không cần tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, theo ông vấn đề quan trọng là ở khâu tuyển chọn, sử dụng con người. Nếu chọn đúng người thì mọi việc sẽ tốt, tham nhũng, tiêu cực sẽ được hạn chế.
Phân tích thêm, ông Thắng cho rằng quy trình, quy định lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay rất chặt chẽ. Song đôi khi khâu này vẫn phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu và “gợi ý” của cấp trên. Từ đó dẫn đến tình trạng “đúng quy trình, quy định nhưng chưa chắc đã đúng người”.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia xét xử các vụ “đại án”, cựu Thẩm phán Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự, TAND Hà Nội cho rằng, để phòng ngừa xảy ra các vi phạm thì công tác cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng. “Có những người đứng đầu cơ quan, đơn vị như những “ông vua con”, cố tình làm trái, không quan tâm đến ý kiến của đội ngũ cán bộ, trong nội bộ đơn vị. Lợi dụng vị trí của mình để áp đi các ý kiến khác”, ông Toàn nói. Hệ quả theo ông, không chỉ người lãnh đạo đó sai phạm mà còn kéo theo nhiều người ở dưới sai phạm theo.
Điều đáng lo ngại được thẩm phán Trương Việt Toàn nêu ra là những vi phạm đó không được kịp thời phát hiện, dẫn đến người vi phạm, sau mỗi nhiệm kỳ lại “leo cao”. “Có người nói là mất mát về công tác cán bộ, tôi không nghĩ đó là mất mát. Những cán bộ đó gây thiệt hại hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì việc họ bị xử lý là đúng đắn, không có gì là mất mát ở đây cả. Họ vi phạm hết sức nghiêm trọng, chuyên quyền độc đoán thì cần phải bị xử lý nghiêm minh”.
Từ thực tiễn xét xử, thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng, cần phải xem xét lại quy định của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. “Qua một số vụ án tôi thấy, có người đứng đầu các đơn vị đã lợi dụng quy định này để tiến hành luân chuyển những người có tiếng nói khác, hoặc không cùng ê kíp. Đúng là có những vị trí cần phải chuyển đổi, nhưng cũng có những vị trí đâu nhất thiết phải luân chuyển. Nếu chúng ta không có những quy định chặt chẽ thì người ta sẽ lợi dụng vào đó để luân chuyển những người góp ý, phê bình, và đưa những người cùng ê kíp vào nhằm thực hiện các “thương vụ” vi phạm”, ông Toàn cảnh báo.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc cảnh báo, phòng ngừa cán bộ vi phạm từ sớm, từ xa có ý nghĩa rất quan trọng để ngăn cán bộ “trượt dài” vào con đường vi phạm. “Nếu cán bộ có liên quan đến sai phạm mà không bị xử lý từ đầu, rồi leo cao, chui sâu vào bộ máy, đảm nhận các vị trí quan trọng thì nguy cơ gây hệ quả vô cùng lớn”, ông Sửu cảnh báo.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, việc phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngăn vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn là hết sức quan trọng. “Nếu phòng ngừa được từ sớm, từ xa, chúng ta ngăn được mất mát về kinh tế, với những con số hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ, cũng như những thiệt hại không thể đong đếm được cho xã hội, mà còn cảnh tỉnh, giúp nhiều cán bộ thoát khỏi được sự sa ngã, thoát khỏi vòng lao lý”, ông Dĩnh nói.