Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khoán đất lâm nghiệp

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức hội thảo với chủ đề 'Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp'.

Hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp", ngày 25/4, tại Hà Nội.

Hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp", ngày 25/4, tại Hà Nội.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và khảo sát tại 7 tỉnh (Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai và Cà Mau). Kết quả cho thấy có 26 công ty lâm nghiệp đang quản lý tổng diện tích 292.632,47ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 290.008,19ha. 21 công ty đã thực hiện khoán cho 121.722,59ha, chiếm 41,59% tổng diện tích.

Các hình thức khoán bao gồm: khoán 50 năm (3,1%), khoán 20 năm (28,04%), khoán theo chu kỳ sản xuất (8,13%), khoán theo công đoạn sản xuất (8,18%) và khoán hằng năm (52,51%).

Kết quả khảo sát cho thấy chính sách khoán đất lâm nghiệp đã thu hút nguồn lực xã hội tham gia quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời tạo ra nhiều mô hình trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả.

Theo báo cáo, bình quân mỗi hộ nhận khoán có 4,65 nhân khẩu, với thu nhập bình quân đạt 167 triệu đồng/năm. Trong đó, thu nhập từ khoán lâm nghiệp chiếm 31,73% tổng thu nhập của hộ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng giao khoán, các kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập.

“Các quy định mới liên quan đến đối tượng nhận khoán, hạn mức và thời hạn khoán chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc thiết lập hồ sơ và thực hiện hợp đồng”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cũng chỉ ra rằng việc chuyển tiếp giữa các nghị định cũ gặp nhiều vướng mắc do thiếu hướng dẫn chi tiết. Những hạn chế trong quản lý hồ sơ, tài sản trên đất, cơ chế xử lý vi phạm và sự phối hợp không hiệu quả giữa các bên liên quan đã tạo ra rào cản trong quá trình thực hiện. Do đó, việc cải thiện cơ chế và sửa đổi, bổ sung quy định là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp.

Hội thảo đã thống nhất những giải pháp phù hợp cho việc tổ chức sản xuất và khoán trong các công ty lâm nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/danh-gia-hien-trang-va-de-xuat-giai-phap-khoan-dat-lam-nghiep-post875275.html