Đánh giá hiệu quả kinh tế của cây bưởi tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư cải tạo vườn tạp, vườn đồi chuyển sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu, tham khảo và học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác, các hộ nông dân ở huyện Bắc Sơn quyết định cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, đặc biệt là trồng cây bưởi. Tuy nhiên, người trồng bưởi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chưa mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế cây bưởi tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, qua đó nhận diện một số hạn chế, tồn tại cũng như đề xuất một số giải pháp giúp huyện Bắc Sơn nâng cao hiệu quả kinh tế cây bưởi.
Thực trạng phát triển kinh tế từ cây bưởi tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Bắc Sơn là một huyện có nền kinh tế nông nghiệp thuần túy. Ngành Trồng trọt là chủ đạo chiếm tới 70% cơ cấu sản xuất theo ngành của Huyện trong đó, diện tích cây bưởi chiếm trên 10% diện tích các loại cây ăn quả chính của Huyện, tiếp đó là chăn nuôi chiếm 28%, còn lại là ngành Dịch vụ và các hoạt động khác. Điều đó cho thấy, Bắc Sơn là huyện có diện tích đất canh tác nông nghiệp rộng và có nền nông nghiệp trồng trọt phát triển lâu đời.
Diện tích, năng suất và sản lượng bưởi Bắc Sơn
Với đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các hộ nông dân trồng bưởi Bắc Sơn mà trong những năm qua diện tích bưởi của huyện Bắc Sơn tăng lên nhanh chóng, tốc độ tăng bình quân qua 3 năm 2016 - 2018 về diện tích bưởi toàn Huyện là 7,52%.
Năng suất và sản lượng là cơ sở để phản ánh kết quả của mỗi chu kỳ sản xuất được thể hiện tại Bảng 1. Bảng 1 cho thấy, năng suất bưởi của huyện Bắc Sơn có sự biến động liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016, năng suất bưởi bình quân trên địa bàn Huyện đạt 20,11 tấn/ha; năm 2017 đạt 21,05 tấn/ha, tăng 0,94 tấn/ha. Đến năm 2018, năng suất bưởi bình quân đạt 23,81 tấn/ha, tăng 2,76 tấn/ha so với năm 2017. Như vậy, qua 3 năm tốc độ phát triển bình quân của năng suất bưởi vẫn tăng ở mức độ 8,89%/năm. Những con số này cho thấy quá trình sản xuất bưởi của Huyện Bắc Sơn đã cho ra các kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống của người trồng bưởi.
Chi phí để đầu tư cho 1 ha bưởi hiện nay là khá tốn kém, trong khi thời gian để thu lại cách thời điểm đầu tư trồng mới khoảng 8 - 9 năm, nên gây khó khăn cho hộ trồng bưởi.
Qua tính toán cho thấy, chi phí đầu tư cho 1 ha bưởi Diễn ở Bắc Sơn với hộ quy mô lớn là 252.027,6 nghìn đồng/ha, hộ quy mô trung bình là 278.989,2 nghìn đồng/ha, hộ quy mô nhỏ là 210.750 nghìn đồng/ha. Sau khi trồng mới, các hộ phải tiến hành chăm sóc cơ bản cho cây bưởi Bắc Sơn, trong các loại chi phí thì chi phí phân chuồng là chi phí lớn nhất.
Thu nhập từ sản xuất kinh doanh bưởi Bắc Sơn
Cây bưởi Bắc Sơn từ lâu là cây mang lại thu nhập chính cho người dân với nghề nghiệp chính chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm sản xuất ra là sản phẩm quả tươi và bán trực tiếp tại vườn, sản phẩm được thu mua từ đầu vụ. Giữa các nhóm hộ việc đầu tư cho sản xuất khác nhau, thì kết quả của quá trình sản xuất ra sản phẩm bưởi Bắc Sơn cũng có sự khác biệt.
Thu nhập thuần thu được từ 1 ha bưởi Bắc Sơn là 346.615,81 nghìn đồng/ha. Trong đó, đối với hộ khác nhau thì có thu nhập thuần khác nhau, đối với nhóm hộ quy mô lớn là 406.957,16 nghìn đồng/ha, đối với nhóm hộ quy mô trung bình là 345.036,28 nghìn đồng/ha, đối với nhóm hộ quy mô nhỏ là 287.854 nghìn đồng/ha. Qua đó có thể thấy, thu nhập thuần của nhóm hộ quy mô lớn cao hơn hẳn so với 2 nhóm hộ còn lại. Nhóm hộ quy mô lớn có thu nhập thuần trên một ha cao gấp gần 1,5 lần so với nhóm hộ trung bình.
Qua quá trình nghiên cứu, tác giả tiến hành nghiên cứu một số chỉ tiêu hiệu quả khi phân tích doanh thu và chi phí của bưởi Diễn ở Bắc Sơn của các nhóm hộ.
Kết quả được thể hiện tại Bảng 4 cho thấy, về hiệu quả sử dụng vốn của các nhóm hộ: Hộ quy mô lớn, hộ quy mô trung bình, hộ quy mô nhỏ lần lượt là 7,07; 7,37; 6,98 lần. Mặc dù chi phí trung gian (IC) của nhóm hộ quy mô lớn là cao nhất, của hộ quy mô nhỏ là thấp nhất nhưng phụ thuộc vào GO của các nhóm hộ là khác nhau. Chính vì vậy, GO/IC của hộ quy mô lớn sẽ thu được GO cao nhất, còn hộ quy mô nhỏ thu được giá trị thấp nhất.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây bưởi
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cây bưởi ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, thời gian tới cần tập trung triển khai các nội dung sau:
Một là, về kỹ thuật: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để tăng năng suất chất lượng sản phẩm bao gồm: từ cải tiến công tác giống đến cải tiến kỹ thuật canh tác.
Hai là, về vốn đầu tư: Để giải quyết tốt vấn đề này, Nhà nước cần phải có những chính sách kịp thời hỗ trợ về vốn trên cơ sở phân tích khả năng đầu tư của từng nhóm hộ, hộ sản xuất từ đó đề ra mức hỗ trợ vốn cần thiết cho từng khối một. Trên cơ sở vốn đầu tư đã khảo nghiệm được trong thực tế của nông hộ, nên khuyến khích việc đầu tư vốn vào sản xuất của các hộ nông dân kết hợp với sự hỗ trợ vốn cho vay của Nhà nước sẽ đạt được lượng vốn đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển cây bưởi Bắc Sơn.
Đối với việc hỗ trợ vốn đầu tư cho quá trình sản xuất của hộ nông dân thì Nhà nước cần phải xem xét các phương thức cho vay, cụ thể là phân tích hoàn thiện cơ sở cho vay vốn phát triển sản xuất của ngân hàng và các dự án khác, đơn giản về thủ tục, mức độ tỷ lệ lãi suất, các hình thức cho vay theo thời gian của các giai đoạn trong sản xuất bưởi (bởi vì đối với việc sản xuất bưởi thì việc đầu tư cho một quá trình sản xuất từ trồng mới cho đến khi thu hoạch để thu hồi vốn phải trải qua nhiều năm). Đây cũng chính là trở ngại lớn cho người dân không yên tâm vào việc đầu tư cho quá trình sản xuất.
Ba là, về thị trường tiêu thụ: Hiện nay thị trường tiêu thụ bưởi Bắc Sơn của người dân trên địa bàn huyện còn chưa rõ ràng, có thể nói là chưa ổn định. Thị trường là vấn đề quan trọng, là điều kiện tồn tại và phát triển, là quyết định sự sống còn của người sản xuất kinh doanh do đó tìm kiếm thị trường là một việc làm cấp thiết đối với sản phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân hay nói cách khác là giúp đỡ người dân nâng cao thu nhập từ cây bưởi Bắc Sơn, trước hết chính quyền địa phương nên liên hệ với các đại lý tiêu thụ sản phẩm cũng như thương lái để tìm hiểu thị trường, từ đó thông báo cho người dân chủ động tiêu thụ sản phẩm. Các đại lý thu mua sản phẩm nên ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như vậy đầu ra của sản phẩm sẽ được đảm bảo lâu dài. Đặc biệt, địa phương cần phát huy mạnh mẽ quyền hạn của hợp tác xã nhằm giúp người trồng bưởi tiêu thụ sản phẩm, mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Kim Chung và Phạm Vân Đình (2009), Giáo trình Kinh tế nông nghiệp, NXB Nông nghiệp;
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn (2014), Kỹ thuật trồng cây bưởi, các cách phòng chống sâu bệnh hại cây bưởi;
3. Trần Đình Tuấn (2003), Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất cam sành, quýt ở huyện Bắc Quang, Hà Giang, Luận án tiến sỹ, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội;
4. UBND huyện Bắc Sơn (2018), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.