Đánh giá kết quả Di sản Thế giới vừa được công nhận ở Việt Nam
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới là điểm đến tâm linh - văn hóa độc đáo kết nối 3 địa phương.

Chùa Yên Tử là điểm đến tâm linh nổi tiếng, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, đặc biệt vào dịp đầu xuân. Ảnh: Chùa Yên Tử.
Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra ngày 12/7 tại Paris (Pháp), quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.
Đây là di sản thứ 9 của Việt Nam được công nhận ở cấp độ toàn cầu, đồng thời là di sản liên tỉnh thứ 2, sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ đề cử, nhận định đây là niềm tự hào lớn không chỉ của các địa phương mà của cả đất nước.
"Sau nhiều năm chuẩn bị công phu, hồ sơ đã được quốc tế ghi nhận. Chúng tôi cam kết sẽ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững", bà Hạnh nói.

Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris (Pháp), ngày 12/7. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh sự công nhận này không chỉ khẳng định giá trị di sản, mà còn thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với tư tưởng nhân văn, hòa hiếu của Phật giáo Trúc Lâm.
Sự kiện nâng cao vị thế Việt Nam và mở ra cơ hội lớn trong công tác bảo tồn, quảng bá di sản.




Toàn cảnh chùa Côn Sơn. Ảnh: Lewis Ng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết để đạt được danh hiệu này, các địa phương đã được đầu tư nhiều năm qua trong công tác nghiên cứu, tu bổ và nhận diện giá trị di sản.
Thứ trưởng đánh giá việc quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh còn giúp thắt chặt liên kết phát triển du lịch và văn hóa giữa 3 địa phương.
Hướng tới hình thành một không gian di sản thống nhất, các địa phương kỳ vọng thu hút nhiều hơn khách hành hương, du lịch tâm linh và học thuật quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.
12 cụm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc gồm:
5 thành phần ở Quảng Ninh: Chùa Yên Tử (Hoa Yên), Am Ngọa Vân, Thái Miếu, bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang) và chùa Lân (Long Động).
5 thành phần ở Hải Phòng (địa phận tỉnh Hải Dương cũ): Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dưỡng.
2 thành phần ở Bắc Ninh (tỉnh Bắc Giang cũ): Chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La).
Trước đó, Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), vịnh Hạ Long (1994, mở rộng ra Cát Bà 2023), phố cổ Hội An (1999), thánh địa Mỹ Sơn (1999), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, mở rộng 2015), hoàng thành Thăng Long (2010), thành nhà Hồ (2011) và quần thể danh thắng Tràng An (2014).