Đánh giá kỹ tác động áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường
Nước ngọt có đường trở thành đối tượng dự định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm nóng Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tác động tới nhiều ngành phụ trợ
Ngày 5/7/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong các nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung, đặc biệt có nhóm nước giải khát có đường, mục đích bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa sự thừa cân béo phì đang báo động, nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm…Vấn đề này làm "nóng" Hội thảo và nhận được nhiều ý kiến góp ý.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, tính đến cuối năm 2020, ngành giải khát cod 1.800 cơ sở sản xuất cung cấp việc làm cho 300.000 lao động. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Năm 2023 doanh nghiệp đi ngược xu thế tăng trưởng, với môi trường kinh doanh chậm chuyển biến, thậm chí gặp nhiều rào cản nặng nề hơn.
TS. Nguyễn Minh Thảo đặt vấn đề, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi mở rộng đối tượng chịu thuế, trong đó có đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo hàm lượng nhất định, thì mục tiêu tài khóa, mục tiêu xã hội, sức khỏe cộng đồng có đạt được như mong muốn?
Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm ngành nước giải khát có thể dẫn tới tác động tiêu cực, làm tăng chi phí bán lẻ, giảm sản lượng, Nhà nước không nuôi dưỡng được nguồn thu của ngân sách, cũng như tăng hiện tượng buôn lậu. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% dự báo ảnh hưởng sụt giảm sản lượng, cũng như GDP, thu nhập người lao động, thu ngân sách qua thuế đều giảm.
Tác động của chính sách thuế này lại rộng lớn, không chỉ đối với ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước khoảng 2.279,1 tỷ đồng, song ngược lại sẽ làm giảm doanh thu và sản lượng riêng ngành nước giải khát và ngành mía đường khoảng 3.159,5 tỷ đồng, dẫn tới tổng ảnh hưởng là giảm 880,4 tỷ đồng.
Việc này còn gây tác động đến hàng ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng một triệu hộ kinh doanh sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát dẫn chứng số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Đánh thuế có giảm được tỷ lệ béo phì?
Trong đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế và lý giải nhằm giảm thiểu rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả của công cụ thuế trong việc phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì và nâng cao sức khỏe người dân, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp nước giải khát và của cả nền kinh tế.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết: Hiện nay có 45 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, việc áp dụng chưa đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.
“"Như Chile, giai đoạn 2009 - 2010, tỷ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biêt đối với nước ngọt năm 2014, đến giai đoạn 2016-2017, tỷ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng, lần lượt là 30,3% và 38,4%", ông Thành cho biết.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì như: Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động... Trong khi đó chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ duy nhất của thừa cân, béo phì với nước giải khát có đường.
"Đường có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calo nhiều nhất trong các thực phẩm. Chưa có nghiên cứu nào xác định tiêu thụ nước giải khát có đường dễ dàng hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác... Do vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ không thể giải quyết được vấn đề thừa cân, béo phì trong bối cảnh có nhiều các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calo trên trường", bà Lâm nói.
Tại Việt Nam nước giải khát có đường chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng số năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống. Trong khi đó, theo báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN (2021), kể cả các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung cũng chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (11,5%), rau và hoa quả (6,9%).
Vì vậy, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ không thể giải quyết được vấn đề thừa cân, béo phì trong bối cảnh có nhiều các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calo trên thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc bệt cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường. Ngoài ra, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo.
"Dự thảo cần cân nhắc yếu tố công bằng giữa các ngành hàng. Hiện nay, dự thảo đang tạo ra sự phân biệt đối xử thông qua việc tập trung vào đồ uống có đường mà bỏ qua các thực phẩm có đường khác hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây hại sức khỏe khác. Mặt khác, công cụ thuế khó có thể điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do đồ uống là một loại thực phẩm, là nhu cầu cơ bản", ông Trung nêu quan điểm.
Bà Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhấn mạnh Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là luật rất quan trọng, việc sửa đổi là cần thiết, phản ánh sự phát triển của đất nước, phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, bà Dung cho rằng việc sửa đổi thời điểm nào, nội dung sửa đổi ra sao, và đề xuất đưa các mặt hàng vào diện áp thuế Tiêu thụ đặc biệt cần được cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Việc xây dựng, sửa đổi luật cần đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo bà Mai Dung, các ý kiến của đại biểu tại hội thảo hôm nay là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội tham khảo, từ đó để góp ý cho việc xây dựng luật.