Đánh giá kỹ tác động phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Đó là ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trên một số đoạn/tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một trong chín tuyến đường cao tốc được Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí. Ảnh: Đức Trong.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một trong chín tuyến đường cao tốc được Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí. Ảnh: Đức Trong.

Quản lý theo cơ chế giá hay thu phí?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3811/BKHĐT-PTHTĐT gửi Bộ GTVT liên quan phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại các nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (bao gồm cả giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025); các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Quốc hội đều đã giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ góp vốn vào dự án.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng yêu cầu: hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là một chính sách mới, có ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng tham gia giao thông đường bộ, nên cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng về mức thu phí, vì đã áp dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện.

“Vì vậy, để tránh thu phí chồng thu phí, tạo gánh nặng cho người sử dụng, làm giảm hiệu quả hoạt động của đường cao tốc, cũng như làm mất đi bản chất của các dự án đầu tư công, Bộ GTVT cần nghiên cứu bổ sung nội dung đánh giá tác động và lấy ý kiến của người dân” - Công văn số 3811 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Liên quan những nội dung cụ thể trong phương án đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để đảm bảo các điều kiện trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, cơ quan chủ trì xây dựng phương án cần rà soát, bổ sung cơ sở chính trị để ban hành nghị quyết về vấn đề thu phí đường cao tốc, huy động đa dạng nguồn lực…; đồng thời làm rõ sự cần thiết trình Quốc hội ban hành chính sách thí điểm.

Đối với cơ chế thu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy định pháp luật hiện hành chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ đối với các dự án đầu tư để kinh doanh theo cơ chế giá; chưa có quy định về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.

Do đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần căn cứ thực tiễn kinh nghiệm quốc tế, lựa chọn phương án thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay thu phí, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ giao thông thông thường (sử dụng đường quốc lộ và trả phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện) hoặc sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ có chất lượng cao hơn (sử dụng đường cao tốc và trả thêm tiền sử dụng đường cao tốc).

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tính toán cân đối giữa phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ thông thường do Nhà nước đầu tư với phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng, như quy định tại Điều 8, Luật Phí và lệ phí.

“Đề nghị Bộ GTVT tham vấn ý kiến của Bộ Tư pháp và thống nhất với Bộ Tài chính để đạt được sự đồng thuận trước khi báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án thí điểm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Quốc tế đang làm như thế nào?

Trước đó, Bộ GTVT có Công văn số 4069/BGTVT-TC gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.

Theo phương án của Bộ GTVT, sẽ thực hiện thu phí thí điểm với 9 tuyến cao tốc, dự án do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (dừng thu phí 1/1/2019 đến nay).

Thời gian thu phí thí điểm tối đa là 5 năm. Tổ chức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thông qua trạm thu phí, áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng.

Về thực tiễn quốc tế, Bộ GTVT dẫn chứng một số nước có hệ thống đường cao tốc phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… khi đầu tư phát triển đường cao tốc từ nguồn lực công đã tổ chức thu phí qua trạm để vận hành, bảo trì, hoàn vốn và đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới đường cao tốc.

Cụ thể, ở Trung Quốc đến cuối năm 2020 có 161.000 km đường bộ cao tốc. Trung Quốc đã thu phí đường bộ, thuế mua phương tiện giao thông và thuế nhiên liệu, trong đó phí đường bộ cao tốc thông qua trạm thu phí chiếm 80% tổng thuế, phí. Nguồn thu này sử dụng chủ yếu để vận hành và hoàn vốn, một phần sử dụng tái đầu tư, nâng cấp hoặc xây dựng các tuyến đường mới.

Ở Nhật Bản, giai đoạn đầu, Chính phủ sử dụng ngân sách Nhà nước để phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc; đồng thời bảo lãnh cho chính quyền địa phương huy động vốn để xây dựng các đường cao tốc và thu phí để hoàn vốn.

Giai đoạn tiếp theo, Nhật Bản thành lập Công ty Công chính đường cao tốc (JH) để thay mặt cho Chính phủ thu phí đường bộ và hoàn trả các khoản vốn huy động ban đầu. Sau khi hệ thống đường cao tốc và đường bộ hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển, JH được tư nhân hóa, tái cấu trúc thành Cơ quan Trả nợ và đường cao tốc Nhật Bản (JEDRA) và 6 công ty đường cao tốc.

Các công ty đường cao tốc chịu trách nhiệm xây mới với nguồn kinh phí được huy động từ các khoản vay và JEDRA chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản vay trong vòng 45 năm với các nguồn thu từ đường bộ.

Tại Hoa Kỳ, sau khi hoàn tất xây dựng, Chính phủ nắm quyền sở hữu, thực hiện vận hành và bảo trì đường cao tốc. Chính phủ thông qua mức thu trên từng tuyến đường, đồng thời Chính phủ hoặc chính quyền các tiểu bang thành lập công ty nhà nước để tổ chức quản lý đường cao tốc.

Từ những dẫn chứng quốc tế, Bộ GTVT khẳng định việc thu phí trên là cần thiết để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới. Khi có tiền đầu tư hoàn thiện mạng lưới cao tốc sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, tiết kiệm nguyên liệu, góp phần phát triển kinh tế.

Theo phân tích của các chuyên gia đầu tư, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030, cần khoảng 813.000 tỷ đồng. Nếu không thu phí để “tái đầu tư” thì ngân sách Nhà nước không thể kham nổi nguồn kinh phí khổng lồ đầu tư cho cao tốc.

Hơn nữa, khi các công trình cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì. Theo tính toán, đến năm 2025, cả nước có khoảng 1.624 km đường cao tốc được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu kinh phí bảo trì đường cao tốc khoảng 9.067 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 1.813 tỷ đồng.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-gia-ky-tac-dong-phuong-an-thu-phi-cao-toc-do-nha-nuoc-dau-tu.html