Đánh giá lại hiện trạng san hô bị tẩy trắng ở vùng biển Côn Đảo

Ngày 10-6, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết đang kiến nghị cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá lại lần 2 về hiện trạng các rạn san hô bị tẩy trắng trong vùng biển Côn Đảo để đưa ra các phương án phục hồi phù hợp.

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo vừa phối hợp cùng Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam khảo sát thực tế hiện trạng san hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng trên diện rộng. Kết quả tại 8 trạm rạn quanh đảo Côn Sơn cho thấy, các trạm rạn phía Đông Nam tỷ lệ san hô bị tẩy trắng cao hơn nhiều so với các trạm rạn phía Tây Bắc. San hô bị tẩy trắng trên cả hai đới mặt bằng rạn và sườn dốc rạn do nhiệt độ nước biển ở độ sâu 20m lên đến 32oC.

Khu vực các trạm rạn phía Đông của đảo như Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài và Cực Gà số lượng san hô bị tẩy trắng lên đến 80-100%. Ghi nhận khoảng 15-20% san hô mới chết và toàn bộ các giống san hô phổ biến trên rạn như Acropora, Porites, Montipora, Pachyseris, Pavona, Echinopora, Echinophyllia, Pectinia, Fungia, Ctenactis đều bị tẩy trắng. Đối với khu vực phía Tây của đảo như Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Bãi Ông Cường và Bãi Ông Đụng số lượng san hô bị tẩy trắng khoảng 60-70%.

Theo các chuyên gia, hiện tượng san hô tẩy trắng tại Côn Đảo là do sự gia tăng nhiệt độ nước biển trên 30 độ C.

PHÚ NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/danh-gia-lai-hien-trang-san-ho-bi-tay-trang-o-vung-bien-con-dao-post744027.html