Đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP- cần sự chủ động của các chủ thể

Trải qua 3 năm sau khi được công nhận, mới đây, những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh đã được đánh giá, xếp hạng lại. Đây được xem là yêu cầu bắt buộc đối với các chủ thể nhằm duy trì, khẳng định thương hiệu và góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP chất lượng, có trách nhiệm, hiệu quả, bền vững.

Công ty cổ phần Ong Tam Đảo có 7 sản phẩm là Tacumin, mật ong Curcumin, mật ong quất, mật ong chanh leo, mật ong sữa chúa, mật ong hoa rừng, mật ong bánh tổ Tam Đảo tiếp tục được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Thế Hùng

Công ty cổ phần Ong Tam Đảo có 7 sản phẩm là Tacumin, mật ong Curcumin, mật ong quất, mật ong chanh leo, mật ong sữa chúa, mật ong hoa rừng, mật ong bánh tổ Tam Đảo tiếp tục được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Thế Hùng

Sau 4 năm thực hiện chương trình sản phẩm OCOP, Vĩnh Phúc đã xây dựng được một hệ thống sản phẩm có chất lượng được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng với 105 sản phẩm được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó 26 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao và 79 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.

Trải qua hành trình 3 năm sau khi được công nhận sản phẩm CCOP của công ty, anh Nguyễn Đức Độ, Giám đốc Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo, xã Tam Quan (Tam Đảo) cho hay:

“Chứng nhận sản phẩm sao OCOP không chỉ giúp doanh nghiệp khẳng định chất lượng sản phẩm, xây dựng niềm tin đối với khách hàng mà còn là tấm vé thông hành giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Do đó, khi đến hạn, công ty đã chủ động liên hệ với xã, huyện để làm hồ sơ, đăng ký đánh giá, xếp hạng lại cho 2 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP năm 2019 là hoa trà hoa vàng Tam Đảo và trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo”.

3 năm qua, sản phẩm trà của công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo đã nhận được sự đón nhận tích cực từ phía người tiêu dùng. Công ty cũng luôn chú trọng đầu tư chất lượng, bao bì nhãn mác, phát triển mạng lưới phân phối đa kênh. Nhờ đó, trong đợt đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP của tỉnh vừa qua, 2 sản phẩm của công ty đã được nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.

Đến cuối tháng 3/2023, Vĩnh Phúc có 18 sản phẩm phải đánh giá, xếp hạng lại. Đây là các sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh được công nhận theo Quyết định số 614 ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh. Trong đó, 14 sản phẩm được hội đồng thông qua và quyết định xếp hạng lại gồm 10 sản phẩm OCOP 4 sao và 4 sản phẩm OCOP 3 sao.

Còn lại, 4 sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhãn hiệu sản phẩm OCOP và không tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định gồm: Tinh bột nghệ Tam Đảo, viên tinh bột nghệ mật ong rừng Tam Đảo của Công ty cổ phần nghệ và trà xanh Tam Đảo; thanh long ruột đỏ Lập Thạch của HTX Thương mại Dịch vụ và Sản xuất thanh long Lập Thạch; tương nếp Thủy Phương của HTX Sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm sạch Thủy Phương. UBND tỉnh đã ra quyết định đưa ra khỏi danh sách sản phẩm OCOP đối với 4 sản phẩm này.

Anh Phùng Xuân Tiến, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Trước khi hết thời hạn, Văn phòng đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố thông báo đến các chủ thể có sản phâm OCOP về thời hạn của giấy chứng nhận và triển khai tổ chức đánh giá, xếp hạng lại”. Ngoài ra, Văn phòng cũng chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các chủ thể trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận lại.

Việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi đến hạn 3 năm kể từ ngày được công nhận. Nếu không tuân thủ sẽ bị thu hồi chứng nhận. Các chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam và thứ hạng sao in trên bao bì, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm kể từ ngày hết hiệu lực.

Do đó, để duy trì danh hiệu sản phâm OCOP thì các chủ thể cần chủ động, tích cực, lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm theo đúng hướng dẫn và thời gian quy định, đảm bảo việc lưu thông, tiêu thụ trên thị trường thuận lợi.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP, có tránh nhiệm đối với việc đề nghị đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96608//danh-gia-phan-hang-lai-san-pham-ocop--can-su-chu-dong-cua-cac-chu-the