Đánh giá tác động khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận

Đề án đánh giá sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là chủ trương lớn nên phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, quyết liệt trong chỉ đạo,thực hiện.

Theo dự kiến, hôm nay 9-5, Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ có cuộc họp để cho ý kiến các nội dung chuẩn bị thực hiện hợp nhất 3 tỉnh.

 Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn nhất nước.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn nhất nước.

Trước đó trong Đề án hợp nhất 3 tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có đánh giá tác động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Những tác động thuận lợi

Theo đó đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp sẽ giải quyết được bài toán về quy hoạch, lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như quy hoạch, lập kế hoạch phát triển vùng được thuận lợi hơn do nguồn lực được tập trung, không bị phân tán nhỏ lẻ.

Ngoài ra góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; góp phần tinh giản biên chế, lựa chọn được những cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ để bố trí đảm nhận các chức danh theo đúng quy định và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 Trụ sở Tỉnh ủy Lâm Đồng hiện hữu.

Trụ sở Tỉnh ủy Lâm Đồng hiện hữu.

Từ đó, cơ cấu giảm các chức danh trong các tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Việc đầu tư của Nhà nước vào địa bàn mới sau khi sắp xếp sẽ tập trung hơn không bị dàn trải, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh mới sẽ được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn, nhất là hệ thống các công trình hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa...

Sau khi thành lập tỉnh mới cùng với việc kiện toàn bộ máy quản lý, tinh giản biên chế, nguồn vốn đầu tư cho tỉnh mới, cấp xã mới sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 Những lợi ích khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh PN.

Những lợi ích khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh PN.

Với quá trình sắp xếp cấp tỉnh có quy mô rộng hơn, dân cư đông hơn, điều kiện phát triển mạnh hơn, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều cơ hội hơn trong việc giao lưu hợp tác và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, từ đó nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân.

Các trụ sở không sử dụng sẽ được thu hồi, tăng thu cho ngân sách; chính quyền có nguồn kinh phí để đầu tư các cơ sở vật chất, trụ sở làm việc…

Không ít khó khăn khi địa bàn rộng

Tuy nhiên theo Đề án thời gian đầu sẽ có những khó khăn nhất định như thay đổi về cán bộ quản lý, quy mô quản lý; lộ trình, thời gian thực hiện việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030.

 Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh VÕ TÙNG.

Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh VÕ TÙNG.

Tăng nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sau sắp xếp. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải luân chuyển công tác hoặc giải quyết chính sách, tinh giản biên chế do dôi dư. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan quản lý trong thời gian đầu.

Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là trụ sở, nhà, đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần phải điều chỉnh quy hoạch, đòi hỏi nhiều thời gian.

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với đơn vị hành chính sau sắp xếp rộng hơn sẽ không tránh khỏi những khó khăn thách thức về quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giấy phép kinh doanh, đặc biệt là quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội.

 Đường ven biển tỉnh Bình Thuận. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Đường ven biển tỉnh Bình Thuận. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính đồng nghĩa với việc thay đổi một số giấy tờ tùy thân, giấy phép kinh doanh, quyền sử dụng đất... trước mắt sẽ gây khó khăn, mất thời gian, phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực cho đội ngũ cán bộ công chức các cấp liên quan trong việc tra cứu, lưu trữ.

Sau sắp xếp, dân số đông, số lượng hồ sơ tiếp nhận nhiều trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, khó đáp ứng ngay nhu cầu của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục…

 Đà Lạt là nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng (mới) sau sáp nhập. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Đà Lạt là nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng (mới) sau sáp nhập. Ảnh PHƯƠNG NAM.

“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, công việc khó, phức tạp, nhiều. Do đó để thực hiện thành công phương án sắp xếp đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và thôn, tổ dân phố đến người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện…”, Đề án kết luận.

PHƯƠNG NAM-VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/danh-gia-tac-dong-khi-sap-nhap-3-tinh-lam-dong-dak-nong-binh-thuan-post848867.html