Đánh giá toàn diện, sâu sắc, bao trùm các lĩnh vực kinh tế - xã hội

Sáng 16.10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế về các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về kết quả năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh kết quả đạt được, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân...

Về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực.

Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt. Vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng cao.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tính bất định cao; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 - 2022 vượt mục tiêu đề ra; khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã vượt mục tiêu đề ra. Các nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra đã bước đầu thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa.

Tập trung tăng cường năng lực nội sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như Báo cáo của Chính phủ về năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Cùng đó, bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nhận rõ thách thức, nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả hơn

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, trong đó, các nội dung thẩm tra sâu sắc, đầy đủ. Qua đánh giá cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ và tín hiệu đáng mừng nhưng để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cũng như kế hoạch 5 năm đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đối với các kết quả đạt được cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm nổi bật hơn nữa những kết quả đã đạt được và cho thấy được sự nỗ lực của các cơ quan trong năm 2023. Bên cạnh đó, các Báo cáo cần nhấn mạnh hơn về công tác đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu Nhân dân được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và sôi động, tích cực, hiệu quả cao, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Liên quan đến công tác quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ số liệu các quy hoạch đã được phê duyệt, số quy hoạch đã được thẩm định và đã hoàn thành.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ cũng như cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, để các nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện hiệu quả hơn nữa thì không chỉ cần đổi mới phương pháp, cách làm mà còn phải thiết kế các cơ chế đặc thù, thiết thực.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố niềm tin của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần phòng ngừa những mầm mống phức tạp, nguy hại về an ninh trật tự; chú trọng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó trọng tâm là tạo sinh kế, hỗ trợ đất đai, nhà ở, giúp người dân có thu nhập ổn định, yên tâm với đời sống của mình.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh các báo cáo. Đặc biệt, tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội để hoàn thiện các báo cáo đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bao trùm các khía cạnh, các lĩnh vực và sát với tình hình thực tiễn, nhìn nhận rõ những vấn đề, thách thức, phân tích rõ nguyên nhân và nêu rõ giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/danh-gia-toan-dien-sau-sac-bao-trum-cac-linh-vuc-kinh-te-xa-hoi-i346476/