Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Cây đại thụ tỏa bóng cả một thế kỷ
Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí ở quyển Nhà Nho có đức nghiệp, có viết Nguyễn Bỉnh Khiêm học rộng khắp các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch; mưa, nắng, họa, phúc, việc gì cũng biết trước; không ngày nào quên đời, lòng lo thời thương đời...
Trong khuôn khổ hoạt động Giải Vô địch Golf Quốc gia năm 2023 - Cúp VinFast, chúng tôi đến Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh, tại thôn Trung Am (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Đền thờ được xây cất trên nền nhà cũ của Trạng trình. Cổng đền theo lối truyền thống với tam quan rộng, phía trên có ba chữ Trung Am từ (tức đền Trung Am). Đền hướng ra phía hồ nước rộng, gồm ba gian tiền đường và hai gian hậu cung, là nơi đặt tượng và bài vị của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giữa hồ đặt tấm bia đá khắc năm Vĩnh Hựu nhà Lê (1736) ghi lại công việc dựng đền thờ và tên những người góp công góp sức dựng đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Từ tấm bia ấy cùng những công trình được nhiều đời trùng tu, tôn tạo và mở rộng để góp phần tạo nên quần thể di tích lịch sử Trạng trình hiện nay, để hiểu thêm tấm lòng "tôn sư trọng đạo" của nhân dân và cảm thêm thân thế, sự nghiệp và công tích của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) thuở nhỏ tên Nguyễn Văn Đạt, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Thân phụ là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng đường khoa cử trắc trở. Thân mẫu là Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.
Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được mẹ và thầy Dương Đức Nham dạy học. Tuổi trưởng thành, ông học thầy bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Qua hai kỳ thi Hương, thi Hội đỗ đầu, ông đỗ Trạng nguyên kỳ thi Đình và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Ông được vua nhà Mạc trọng vọng.
Trước cảnh triều đình nhiễu nhương, năm 1542 ông dâng "Thất trảm sớ" xin chém đầu 18 kẻ nịnh thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không đồng ý, vì vậy đã từ quan về quê.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, ở quyển Nhà Nho có đức nghiệp, Phan Huy Chú viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Ông tuy ở nhà, nhưng vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc triệu ông về Kinh hỏi mưu kế lớn. Nhưng rồi ông lại về am để thỏa chí mình, không thể giữ lại được. Ông trải thăng Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình quốc công"; "ông học rộng khắp các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch; mưa, nắng, họa, phúc, việc gì cũng biết trước".
Sử sách đều ghi nhận Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài dự báo, hoạch định chiến lược. Ông từng nói "Sau này nếu có biến cố thì đất Cao Bằng dẫu nhỏ cũng có thể hưởng phúc lâu được vài đời" khi nhà Mạc sai sứ đến thăm và hỏi về việc nước. Ông từng ngầm bảo Thế Tổ Trịnh Kiểm "thờ Phật thì được ăn oản", khuyên tìm người trong tông thất nhà Lê lập làm vua, nhờ vậy xã tắc được yên. Cũng lời khuyên một dải Hoành sơn đủ để nương thân của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp Nguyễn Hoàng thoát tình thế nguy nan, dần xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở phương Nam.
Dạy chữ, chữa bệnh giúp đời
Từ quan về lại Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ, dựng am Bạch Vân dạy học, lập quán Trung Tân bốc thuốc chữa bệnh giúp người. Am Bạch Vân đã trở thành nơi bồi dưỡng, hun đúc trí tuệ và nhân cách cho nhiều nhân tài để sau này trở thành trụ cốt chính của triều Mạc, triều Lê - Trịnh, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử…
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị. Tiêu biểu, tập thơ Bạch Vân với hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại; hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi) với hàng trăm bài thơ chữ Nôm.
Đặc biệt, dân gian còn lưu truyền nhiều câu "sấm Trạng trình" dự đoán việc tương lai, những biến cố của quốc gia, đất nước, cũng như các tập sấm ký chữ Nôm: Trình tiên sinh quốc ngữ, Trình trạng nguyên sấm ký diễn ca và Trình quốc công sấm.
Qua cuộc đời và tác phẩm thơ văn, tư tưởng triết lý nhân sinh của Nguyễn Bình Khiêm gắn liền với vấn đề dân sinh và đạo lý làm người, giá trị con người; thể hiện tư tưởng yêu nước thương dân và phê phán hiện thực cuộc sống. Qua đó đã lan tỏa nhiều bài học lớn về nước phải lấy "dân làm gốc", lấy lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân làm mục tiêu cho quá trình đổi mới; bài học về mục tiêu của giáo dục và đào tạo nhân tài.
Lòng ông phóng khoáng, tư chất trời cho rất cao; tu dưỡng thuần túy, hồn nhiên... Ông rong chơi nhàn nhã hơn 40 năm mà không ngày nào quên đời, lòng lo thời thương đời, thể hiện ra văn thơ.
Văn chương ông tự nhiên, nói ra là thành không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời", sách Lịch triều hiến chương loại chí viết.
Nguyễn Bình Khiêm coi việc giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và hành động cho người học, nhất là việc gắn ý chí học hành với lý tưởng cống hiến hết mình cho đất nước.
Tác dụng cao nhất của giáo dục là hướng con người trở về tính thiện bởi "thiện là dòng dõi của giáo dục". Việc học phải nhằm hành đạo và khuyến khích sự tìm tòi, học hỏi.
Trong bài Khuyến sĩ thi (thơ khuyên học trò), ông viết: Khi học phải tìm hiểu, suy xét nghĩa lý thật sâu sắc và tinh tường, không chỉ căn cứ vào quy cách, phương pháp nhất định mà khi vận dụng phải cần mẫn ngày đêm học đạo, vừa khuyến khích học trò bằng việc hướng tới tương lai tốt đẹp...
Khi đến thăm đền và ghi sổ lưu niệm, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: "Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ, nhà văn, một thầy giáo, một nhà triết học, một nhà dự báo, một danh nhân văn hóa như cây đại thụ bóng trùm cả một thế kỷ XVI. Tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết, nhân cách cao cả cùng với tri thức uyên bác và tài năng sáng tạo đã tạo nên sự nghiệp, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của ông mà đến nay chúng ta rất đỗi tự hào, trân trọng".
Trong bài thơ Cự Ngao Đới Sơn, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình". Câu này như lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.
Trong khuôn khổ Giải Vô địch Golf Quốc gia năm 2023 - Cúp VinFast, hôm nay (6/8), UBND thành phố Hải Phòng, Cục Thể dục Thể thao, Hiệp hội golf Việt Nam và báo Tiền Phong tổ chức lễ dâng hương và tri ân Danh nhân Văn hóa Trình Quốc công tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm.