Danh quan Hoàng Hối Khanh

Sinh ra ở làng Bái Trại nay thuộc xã Định Tăng (Yên Định), Hoàng Hối Khanh là nhân vật lịch sử giai đoạn Trần - Hồ. Ông không chỉ có nhiều dấu ấn trong việc khẩn hoang, dựng làng ở vùng đất phía Nam của đất nước thời bấy giờ mà còn là danh tướng dốc lòng phò tá sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của đất nước.

Làng Bái Trại, xã Định Tăng là quê hương của danh tướng Hoàng Hối Khanh.

Làng Bái Trại, xã Định Tăng là quê hương của danh tướng Hoàng Hối Khanh.

Theo sử sách, Hoàng Hối Khanh thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1384 khi mới 23 tuổi. Sau đó, ông được triều đình bổ về làm tri huyện Nha Nghi (nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Dù tuổi còn trẻ, lại làm quan nơi đất khách quê người song Hoàng Hối Khanh đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm phát triển vùng đất khó.

Giai đoạn này, lợi dụng sự suy yếu của vương triều Trần, quân Chiêm Thành không ngừng quấy phá, đã không ít lần đánh ra đến kinh đô Thăng Long. Thực tế đó đòi hỏi phải có một vị tướng văn võ toàn tài, ý chí vững vàng để trấn ải cùng đất phía Nam - tạo nên tấm “áo giáp” ngăn không cho kẻ địch quấy phá Đại Việt. Bấy giờ, Hoàng Hối Khanh được lựa chọn để đảm nhận trọng trách đó.

Vào Nha Nghi, Hoàng Hối Khanh lựa chọn vùng sông Kiến Giang - địa thế sông núi hài hòa, đất đai tốt tươi cho việc canh tác, lại có thành trì mà quân Chăm Pa trước đây đã xây dựng để làm nơi đóng Huyện sở. Sau đó, ông ra Châu Ái, Châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An) chiêu mộ người của 12 dòng họ vào đây lập làng; lại cho phép quan lại triệu tập những người phiêu tán không có sản nghiệp để đến đây khẩn hoang lập điền trang. Thời kỳ này, do triều Trần suy yếu, đất nước thường xuyên xảy ra loạn lạc nên những người bỏ làng, bỏ quê hương ra đi khá nhiều. Dân phiêu tán nghe nói vùng đất Nha Nghi do tri huyện Hoàng Hối Khanh quản lý là nơi đất tốt nên theo chân nhau tìm về khá đông. Chẳng mấy chốc, từ vùng đất hoang vu ngày nào đã trở nên đông vui, tấp nập. Tri huyện Hoàng Hối Khanh chia đất cho người dân các dòng họ, còn các nông nô cũng nhanh chóng được giải phóng - trở thành những nông dân tự do. Vì thế, người dân nơi đây đều mang lòng cảm mến ông.

Quan tri huyện Hoàng Hối Khanh đẩy mạnh việc khai hoang, lập làng, tổ chức sản xuất, tìm cách tích trữ quân lương, tăng cường lực lượng quân sự, giữ vững kỷ cương phép nước, đề phòng sự nhòm ngó, xâm lấn của quân Chiêm Thành.

Với chính sách khuyến nông, ông khuyến khích người dân tích cực cày cấy làm ra lúa gạo để không chỉ sử dụng mà còn dự trữ phòng khi chiến tranh. Lại tổ chức sản xuất các nông cụ và công cụ như lưỡi cày, cuốc, liềm, gươm, giáo; phụ nữ thì khuyến khích trồng dâu, bông, nuôi tằm, dệt vải; lại có cả các nghề chuyên sản xuất đồ gốm, gạch, ngói...

Ông chăm lo việc luyện tập của quân lính. Với quan điểm “động vi binh, tĩnh vi dân” - khi hòa bình mọi người đều là dân, khi chiến tranh thì dân cũng là lính, quan tri huyện Hoàng Hối Khanh đã rèn cho người dân nơi đây tinh thần lao động, sản xuất và chiến đấu thành thạo. Nhờ đó mà chỉ trong thời gian ngắn, vùng đất Nha Nghi đã sớm trở nên hùng mạnh cả về kinh tế và quân sự.

Đầu năm 1391, Hồ Quý Ly đi tuần tra vùng đất Hóa Châu, nhận thấy nơi đây tiếp giáp với Chiêm Thành nên cần thiết phải tăng cường lực lượng quân sự để ngăn chặn những âm mưu của kẻ địch. Tuy nhiên bấy giờ, các tướng trông coi vùng đất Hóa Châu lại không đủ tài và sức để đảm đương nhiệm vụ. Vì thế, Hồ Quý Ly đã điều Hoàng Hối Khanh đến Hóa Châu trấn trị. Với tài năng và bản lĩnh can trường, Hoàng Hối Khanh đã dốc sức mở mang lãnh thổ, giữ vững vùng đất biên cương xa xôi của nhà Trần.

Sau đó, đến năm 1394, với mục đích tăng cường sức mạnh cho vùng đất phía Bắc trước âm mưu xâm chiếm của nhà Minh, Hoàng Hối Khanh lại được điều động ra làm An Phủ sứ lộ Tam Đái (được cho là thuộc Phú Thọ ngày nay).

Trước sự bạc nhược, yếu đuối của vua nhà Trần, Hoàng Hối Khanh là một trong những quan lại ủng hộ Hồ Quý Ly lên ngôi. Vì vậy, năm 1400, khi họ Hồ lên ngôi đặt quốc hiệu nước ta là Đại Ngu thì Hoàng Hối Khanh càng dốc sức phò tá.

“Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thì vào năm 1401, giữa lúc nhà Hồ đang khẩn trương thực hiện một số chính sách cải cách để củng cố vương triều và tăng cường sức mạnh cho quốc gia Đại Ngu, Hoàng Hối Khanh đã dâng sớ đề nghị triều đình giảm bớt số ruộng và nô của các quý tộc cũ của nhà Trần đề làm giảm bớt thế lực của họ, đồng thời đề nghị cho lập hộ tịch, hộ khẩu để kiểm tra lại số dân đinh trong toàn quốc, tránh sự ẩn lậu dân đinh... Còn việc chuẩn bị đối phó với sự xâm lược của nhà Minh, Hoàng Hối Khanh cũng đóng một vai trò rất quan trọng” (sách Địa chí huyện Yên Định).

Mượn cớ họ Hồ chiếm ngôi họ Trần, nhà Minh ngày càng lộ rõ mưu đồ xâm chiếm. Nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng chống kẻ xâm lược, Hoàng Hối Khanh dùng sách lược ngoại giao mềm mỏng, trả lại một phần đất của nhà Minh trước đó. Năm 1405, Hồ Hán Thương sai Hoàng Hối Khanh đốc suất dân binh đắp thành Đa Bang chống giặc.

Tiếp đó, sang năm 1406, vùng đất phía Nam của nước ta lại xảy ra nhiều biến động do sự cấu kết giữa quân Minh với Chiêm Thành, Hoàng Hối Khanh lại được giao giữ chức Hành khiển Tả thị lang kiêm lĩnh Thái thú Thăng Hoa, Tiết chế Tân Ninh quyền lực cai trị một phương.

Ở quê nhà Bái Trại, danh tướng Hoàng Hối Khanh được hậu thế tưởng nhớ ở nhà thờ họ Hoàng.

Ở quê nhà Bái Trại, danh tướng Hoàng Hối Khanh được hậu thế tưởng nhớ ở nhà thờ họ Hoàng.

Dẫu dốc sức phò tá cơ nghiệp nhà Hồ và dốc lòng đánh giặc ngoại xâm, song Hoàng Hối Khanh cũng không thể “chống lại” được “bánh xe” lịch sử. Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Dù đã dồn sức chuẩn bị cho việc phòng thủ và sức mạnh quân sự song vì không được lòng dân ủng hộ nên cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhà Hồ sớm thất bại.

Khi cha con họ Hồ rơi vào tay giặc, quân Chiêm Thành lợi dụng tình thế ấy chiêu dụ Hoàng Hối Khanh đầu hàng. Tuy nhiên, không muốn rơi vào tay kẻ thù, Hoàng Hối Khanh đã lựa chọn tự vẫn giữ trọn khí tiết.

“Sau khi Hoàng Hối Khanh tuẫn tiết, thi thể của ông đã được những người tâm phúc và Nhân dân đưa về an táng tại Kẻ Tiểu (Lệ Thủy, Quảng Bình) - vùng đất mà ông từng xây dựng thành xóm làng từ những năm trước đó. Hiện nay, lăng mộ và đền thờ Hoàng Hối Khanh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” (sách Địa chí huyện Yên Định).

Lần giở sử liệu, nhìn lại chặng đường hơn 25 năm làm quan của danh tướng Hoàng Hối Khanh, hậu thế thấy được những đóng góp quan trọng của ông cho không chỉ triều đại (Trần, Hồ) mà cả với những vùng đất mà ông gắn bó. Trải qua hơn 6 thế kỷ, đến nay nhiều làng quê ở Quảng Bình nói chung, huyện Lệ Thủy nói riêng vẫn tôn thờ ông là Thành hoàng làng.

Sau khi danh tướng Hoàng Hối Khanh qua đời, tại quê nhà Bái Trại, con cháu và người dân đã lập dựng đền thờ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do, ngày nay đền thờ không còn. Việc thờ phụng, tưởng nhớ ông hiện được con cháu duy trì tại nhà thờ dòng họ.

Ông Hoàng Xuân Đông, 90 tuổi, hậu duệ dòng họ Hoàng ở làng Bái Trại, xã Định Tăng, tự hào cho biết: “Cuộc đời và sự nghiệp làm quan của cụ gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, song tài năng, nhân cách và công lao của cụ vẫn được sử sách và người đời nhắc nhớ. Hơn một lần tôi và con cháu dòng họ Hoàng ở đất Bái Trại đã vào Quảng Bình thăm lăng mộ và đền thờ cụ, được lắng nghe tâm tình và cả sự biết ơn của người dân trong đó với cụ, lòng càng thêm kính trọng bậc tiền nhân”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Địa chí huyện Yên Định và tài liệu lưu giữ tại dòng họ).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/danh-quan-hoang-hoi-khanh-32915.htm