Danh sách 10 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tỷ suất ROE, ROA tốt nhất
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nằm trong số 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2022.
Thông tin này được đề cập trong Báo cáo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước diễn ra vào cuối tuần trước.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2020-2023, ROE trung bình của 60 DNNN có xu hướng tăng từ năm 2020 đến năm 2022 (từ 9% lên 15%) và giảm vào năm 2023 (chỉ còn 10%); ROA trung bình trong giai đoạn này giao động ở mức 4%-6%.
Dẫn số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống kê 10 DNNN có ROE và ROA cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023 gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc; Tổng công ty Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC); Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).
Đứng đầu trong danh sách này là Viettel, sở hữu tổng tài sản khoảng 296.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 46.000 tỷ đồng, ROE và ROA đạt mức lần lượt là 24% và 16%. Tiếp theo đó là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có chỉ số ROE và ROA đạt mức lần lượt là 21% và 13%. VIMC đứng thứ ba đồng thời được ghi nhận là doanh nghiệp có sự chuyển biến rất tốt với ROE đạt 19% và ROA đạt 9%.
Được biết, ROA và ROE là hai chỉ số cơ bản thường được sử dụng để đánh giá hiệu suất hoạt động của một doanh nghiệp.
Trong đó, ROA - tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản, là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty, cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản).
ROE - tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu, là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường. Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ suất ROE càng cao chứng tỏ ban điều hành công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, cho nên chỉ số này thường là một tiêu chí quan trọng để xem xét cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp.
VIMC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng từ tháng 8/2020 với số vốn điều lệ 12.005 tỷ đồng.
Đơn vị này đang kinh doanh 3 lĩnh vực gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phát triển dịch vụ chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải.
Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng.
Kết thúc năm tài chính 2023, VIMC có tổng tài sản 27.537 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 15.368 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất đạt 13.964 tỷ đồng (bằng 105% so với năm 2022), trong đó: doanh thu vận tải biển đạt 6.725 tỷ đồng (tăng 31% so với kế hoạch 2023); doanh thu cảng biển đạt 6.506 tỷ đồng (giảm 6% so với kế hoạch 2023) và doanh thu dịch vụ hàng hải đạt 1.549 tỷ đồng (giảm 20% so với kế hoạch 2023).
Lợi nhuận hợp nhất đạt 2.126 tỷ đồng (bằng 70% so với năm 2022), cụ thể: lợi nhuận khối cảng biển là 1.767 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch 2023), lợi nhuận khối dịch vụ hàng hải là 68 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch 2023), lợi nhuận khối vận tải biển là 604 tỷ đồng (đạt 95% so với kế hoạch 2023).
.