Đánh thức tiềm năng du lịch TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Hướng đi mới cho du lịch về đêm
TP Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch về đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế.
Đồng loạt mở chợ, phố đêm
Những ngày này, con phố Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3) đã khoác lên mình "một bộ áo mới" khi trở thành khu phố ẩm thực của TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những chiến lược phát triển du lịch của thành phố nhằm thu hút thực khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức các món ăn bình dân tại TP Hồ Chí Minh.
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền có chiều dài 368m (kéo dài từ đầu giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Điện Biên Phủ đến giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Đình Chiểu, thuộc địa bàn Phường 4, Quận 3, TP Hồ Chí Minh), với 143 cơ sở kinh doanh, trong đó có 92 hộ kinh doanh ăn uống giá bình dân và 51 hộ kinh doanh các dịch vụ khác như: Quần áo, giày dép, làm tóc… Để tránh kẹt xe, phố ẩm thực sẽ hoạt động chính từ 19 giờ đến 23 giờ. Khách tham quan có thể gửi xe tại vỉa hè phía sau trụ sở và bãi xe chợ Vườn Chuối, hoặc ở phần vỉa hè gần khu vực phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết, việc xây dựng phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền sẽ tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh ẩm thực trên con đường này phát triển mạnh mẽ hơn, có sự quản lý của nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế địa phương, đồng thời mang tính cạnh tranh lành mạnh.
"Đây cũng sẽ là sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của không chỉ Quận 3, mà còn của TP Hồ Chí Minh, khi tuyến đường này được tạp chí Time Out (Anh) bình chọn là một trong 20 khu phố đáng sống của thế giới vào năm 2019. Ngoài ra, tuyến đường này có nhà dân nhỏ, nằm sát nhau, nhiều hộ kinh doanh buôn bán nên việc tổ chức thành phố ẩm thực sẽ giúp đời sống kinh doanh của người dân ổn định và phát triển kinh tế đêm tại địa phương", bà Thúy Hằng nói.
Tương tự, tuyến đường Phan Xích Long cũng là địa chỉ mới nhất được UBND Quận Phú Nhuận khai thác làm thành phố ẩm thực về đêm. Trục chính của phố này là đoạn từ ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu đến khu dân cư Rạch Miễu. Các đường nhánh có giao cắt với đường Phan Xích Long như Hoa Phượng, Hoa Lan, Hoa Mai… được tổ chức thành các phân khu dịch vụ khác nhau, với hoạt động chính là ẩm thực và mua sắm.
Trước quận Phú Nhuận, UBND nhiều quận, huyện khác cũng đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm. UBND Quận 4 đã đưa vào hoạt động phố ẩm thực trên đường Vĩnh Khánh, UBND Quận 3 đang xây dựng phố đi bộ ở hồ Con Rùa, UBND Quận 6 xây dựng phố đi bộ kết hợp ẩm thực ở khu chợ Bình Tây, UBND Quận 5 có chương trình du lịch “Về Chợ Lớn xem múa lân”, trong đó chú trọng khai thác dịch vụ ăn uống, mua sắm. Ở ngoại thành, UBND huyện Cần Giờ cũng có kế hoạch tổ chức tour du lịch khám phá rừng ngập mặn về đêm, với các hoạt động mò cua, bắt ốc, cắm trại, tổ chức tiệc nướng ngoài trời…
Tập trung hút khách quốc tế
Việt TP Hồ Chí Minh triển khai mở rộng các chợ và phố ẩm thực về đêm với mục tiêu thu hút du khách. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều công ty du lịch, các mô hình phố đêm và phố ẩm thực ở các quận, huyện hiện nay vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho rằng, UBND TP Hồ Chí Minh nên chọn một số địa điểm cụ thể để đầu tư, tạo dựng bản sắc riêng, thay vì mở các phố đêm ở nhiều nơi mà không có đặc điểm nổi bật. Các quốc gia như Singapore và Thái Lan cũng chỉ tập trung phát triển các khu vực phố đêm tại những địa điểm trọng điểm của thành phố lớn, với quy hoạch đồng bộ, cung cấp nhiều dịch vụ kết hợp như giải trí, âm nhạc, ăn uống và mua sắm, nhằm tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist) cho rằng, yếu tố đặc trưng trong các phố ẩm thực rất quan trọng để giữ chân du khách. Hiện nay, thành phố Hà Nội có phố Tạ Hiện, TP Hồ Chí Minh có phố Bùi Viện, phần nào đã tạo được nét riêng. Cụ thể, ở phố đi bộ Tạ Hiện, gần như mọi hộ dân trên các đường nhánh đều tham gia dịch vụ ẩm thực, hàng quán cạnh tranh nhau về thiết kế, cung cách phục vụ sáng tạo để thu hút khách. Du khách đến phố này, khám phá các ngóc ngách không thấy chán, do có nhiều điều để trải nghiệm. Còn tại TP Hồ Chí Minh, một số phố ẩm thực về đêm đa số vẫn còn hộ kinh doanh điện thoại, hộ sửa xe, nhà dân… và đóng cửa vào buổi tối, nên sẽ khó thu hút khách du lịch và công ty du lịch cũng khó có thể đưa vào chương trình tour.
"Nếu dịch vụ du lịch đêm chỉ mở cửa đến 22 giờ thì chưa thể gọi là kinh tế ban đêm và chưa thể hút khách về đêm. Do đó, các con phố ẩm thực về đêm cần kéo dài thời gian hoạt động của các dịch vụ đến 4 - 5 giờ sáng, đồng thời phải đảm bảo về an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách khi trải nghiệm các dịch vụ về đêm, có như vậy mới giữ chân du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm trọn vẹn hơn", vị đại diện Bến Thành Tourist nói.
Tương tự, bà Phan Yến Ly, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch nhận định, mặc dù nhiều phố đêm đã được mở ra tại TP Hồ Chí Minh, nhưng những khu vực này thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch, không có sự khảo sát và tư vấn chuyên môn đầy đủ, đồng thời thiếu sự đồng thuận từ người dân. Chính vì vậy, những khu vực như khu ẩm thực bên hông chợ Bến Thành (Quận 1) và các chợ đêm ở Quận 5, Quận 10 vẫn chưa thu hút được nhiều du khách và dễ gây cảm giác nhàm chán. Ngược lại, những khu vực đã được quy hoạch bài bản như phố đi bộ Bùi Viện và đường sách Nguyễn Văn Bình lại hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến vui chơi và giải trí vào ban đêm nhờ vào việc tạo dựng một không gian đồng bộ, đặc sắc và dễ dàng trải nghiệm.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, vào ban đêm, du khách có thể khám phá nhiều không gian văn hóa ẩm thực và dịch vụ ăn uống độc đáo, như phố Bùi Viện (Quận 1), các tuyến phố Vĩnh Khánh (Quận 4), phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung - Hồ Thị Kỷ (Quận 10) và phố Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3). Bên cạnh các khu vực ẩm thực, các hoạt động văn hóa trải nghiệm như "Về Chợ Lớn xem múa lân", tour du lịch "Quận 1 - Sắc màu đêm", hay "Trăng chiến khu" cũng là những sản phẩm du lịch đêm thú vị, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách và tạo dựng hình ảnh đặc trưng cho TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch đêm bền vững, TP Hồ Chí Minh cần sự chung tay của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong việc xây dựng những con phố kinh tế đêm đúng chuẩn và quy trình. Thành phố cũng đang rà soát lại các quy định pháp lý liên quan để có thể nới rộng thời gian hoạt động của các dịch vụ ban đêm, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và tạo dựng một nền kinh tế đêm hiệu quả, hấp dẫn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại các hoạt động kinh tế, văn hóa, giải trí, du lịch trên địa bàn đa số đều tập trung vào ban ngày, gây áp lực rất lớn cho hạ tầng, giao thông. Nếu TP Hồ Chí Minh khai thác tốt các sản phẩm du lịch đêm từ hoạt động kinh tế ban đêm, áp lực này sẽ giảm đi đáng kể, từ đó góp phần gia tăng doanh thu cho TP Hồ Chí Minh nhiều hơn.