'Đánh thức' tiềm năng, phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam

Sáng 25-11, tại thành phố Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn trực tuyến Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Diện tích vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt; hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường; tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi; phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế; hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường...

Nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên.

Nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên.

Theo ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết: Diện tích nuôi trồng nhuyễn thể là lớn nhất với 57.000ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn. Diện tích nuôi cá biển khoảng 11.000ha và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn. Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn. Tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè.

Về phục vụ nuôi biển, có 764 cơ sở sản xuất thức ăn cho nuôi biển, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp, chiếm hơn 20%. Tổng sản lượng thức ăn hỗn hợp là khoảng 35.000 tấn trong khi thức ăn tươi sống khoảng 46.000 tấn.

Tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập khẩu 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, 59 triệu con. Việc nhập khẩu tôm hùm giống cũng gặp một số khó khăn như một số nước ở một số thời điểm cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định.

Thức ăn cho tôm hùm hoàn toàn là đồ tươi sống, gồm các loài cá tạp, ốc bươu vàng, nhuyễn thể, cua ghẹ… đối với lồng nuôi sử dụng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp hiện mới chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể; chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song hiện mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng của Việt Nam với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Hiện nay, nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, tuy nhiên nuôi biển hiện vẫn còn bộc lộ hàng loạt hạn chế, bất cập như: Chưa chủ động được con giống, chất lượng con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn. Do đó, chúng ta cần phải chuyển từ tư duy nuôi trồng, khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, góp phần bảo vệ môi trường biển, tập trung chế biến, mở rộng thị trường, nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển ở nước ta phát triển bền vững...

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/danh-thuc-tiem-nang-phat-trien-ben-vung-nuoi-bien-viet-nam-752937